Huy động vốn dịp giáp Tết: Nhiều áp lực đè nặng

Như thành quy luật, nhu cầu vốn tháng giáp Tết thường cao hơn so với các thời điểm khác và để giải quyết áp lực, các ngân hàng lại bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động. Dù vậy, bất chấp lãi suất “thực dương", nhiều người vẫn sẽ rút vốn ra để đầu tư thay vì gửi vào ngân hàng, khi thị trường bất động sản ấm lên, thị trường chứng khoán phục hồi và thị trường trái phiếu hấp dẫn hơn.
Như thành quy luật, nhu cầu vốn những tháng giáp Tết Nguyên đán thường cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Dễ nhìn thấy nhất là mặt bằng lãi suất huy động hiện nay liên tục tăng.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp, từ nay đến Tết Nguyên đán, các ngân hàng thương mại phải có biện pháp hiệu quả để cân đối tài sản và kiểm soát rủi ro.

Áp lực đè nặng

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010, ngân hàng phải đối diện với nhiều áp lực.

Đó là sự cạnh tranh, chi phối của ngân hàng nước ngoài; tiềm ẩn về lạm phát, tỷ giá, mất cân đối cán cân thương mại; dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn... Cho nên, đây sẽ là một thử thách lớn cho hoạt động của ngân hàng trong nước.

Chưa kể chứng khoán, vàng, quỹ đầu tư... cũng sẽ cạnh tranh với ngân hàng để vét tiền nhàn rỗi trong dân.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước chưa có tầm nhìn chiến lược, chủ yếu mang tính ngắn hạn bởi những biểu hiện mang tính "chộp giật", bất chấp rủi ro hệ thống. Ví dụ như khi đã đạt trần lãi suất cho vay, huy động, có ngân hàng đặt ra các mức phí khác, đẩy phần lãi thực tế lên cao.

Hơn nữa các ngân hàng hiện chỉ chú trọng đến việc cung ứng những dịch vụ mà mình có, chứ chưa quan tâm xem khách hàng cần thêm những điều gì. Việc gửi tiền lên các vùng núi, vùng sâu, vùng xa thông qua dịch vụ của ngân hàng vẫn còn rất khó khăn là minh chứng cho trường hợp này.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn, tỷ giá hối đoái và thanh khoản ngoại tệ, chứ không phải thanh khoản lạm phát.

Trước đây, những người có vốn khó đầu tư, kinh doanh do các kênh đầu tư sụt giảm nên gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất, nhất là năm 2008 lãi suất tiền gửi tăng cao. Còn tình hình thị trường hiện nay đã thay đổi, khi các kênh đầu tư khác đã và đang dần hồi phục, nhiều người sẽ rút vốn ra để đầu tư thay vì gửi vào ngân hàng.

Thị trường bất động sản sẽ ấm lên và khả năng phục hồi vào cuối năm nay; thị trường chứng khoán cũng sẽ phục hồi và thị trường trái phiếu hấp dẫn hơn. Vì vậy, tiền gửi vào ngân hàng sẽ ít đi, đó là chưa kể đối với việc khống chế trần lãi suất huy động.

Đây cũng là khó khăn nhất của ngân hàng trong năm nay. Một khó khăn khác nữa đó là tín dụng thắt chặt, nên nguồn vốn cho vay bất động sản, chứng khoán - vốn mang lại lợi nhuận lớn, cũng bị hạn chế.

Cần vốn kéo lãi suất


Trước những áp lực trên, các ngân hàng lại bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động. Một mặt để giải quyết vấn đề đáp ứng vốn theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ tài chính trong năm 2010, mặt khác để đáp ứng nhu cầu vốn trong dịp Tết Nguyên đán.

Bởi theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 11 dương lịch đến sát Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền mặt rất cao, số lượng vòng quay của chúng nhanh và nhiều hơn nên lượng tiền mặt nằm ngoài hệ thống ngân hàng rất lớn.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan tâm là mặc dù các ngân hàng thương mại tăng lãi suất từ nhiều tháng nay và so với chỉ số tăng CPI thì người gửi tiền đang được hưởng “thực dương” nhưng tốc độ tăng trưởng huy động vốn bị giảm rất mạnh.

Trong khi đó, việc lãi suất cơ bản không thay đổi đã trở thành “bức tường” kìm hãm dòng vốn chảy vào ngân hàng.

Thống kê của ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tuần từ ngày 8-14/1, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đạt xấp xỉ 65.853 tỷ đồng và 1.605 triệu USD, bình quân đạt khoảng 13.170 tỷ đồng/ngày và 321 triệu USD/ngày.

So với tuần trước, doanh số giao dịch bằng tiền đồng và USD tuần này đều sụt giảm, cụ thể doanh số giao dịch bằng tiền đồng giảm 5.500 tỷ đồng/ngày, bằng USD giảm 164 triệu USD/ngày.

Ngay cả lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng cũng có xu hướng giảm đối với hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,07% đến 2,23%/năm, trong đó, lãi suất bình quân qua đêm và kỳ hạn 1 tuần có mức giảm khá lớn so với tuần trước.

Điều này cho thấy, trong cơ cấu tiền gửi, tỷ lệ không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn luôn áp đảo kỳ hạn dài. Và như thế, các ngân hàng thương mại buộc phải dự trữ thanh toán lớn hơn nên thiếu chủ động nguồn vốn cho vay dài hạn cũng như dành vốn cho hoạt động kinh doanh khác và chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành tài chính, khủng hoảng đã dần đi qua và cơ hội đang đến với ngành ngân hàng. Song nếu không nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng được định hướng phát triển mang đậm nét riêng, thì hoạt động của mỗi ngân hàng khó có thể đạt hiệu quả cao.

Vì vậy, thách thức sẽ tiếp tục song hành đối với hoạt động của ngành ngân hàng trong năm tài chính 2010. Điều quan trọng đối với các ngân hàng là phải biết nâng cao năng lực cạnh tranh./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục