Lực sĩ cần trợ lực

Chông chênh lực sĩ thể hình Việt Nam

Giải thể hình và fitness Đông Nam Á, châu Á tưởng như cú hích mới cho thể hình Việt Nam nhưng lại đưa nó vào thế chông chênh.
Chuyến đi thành công của thể hình Việt Nam tại Giải vô địch thể hình và fitness Đông Nam Á, châu Á những ngày vừa qua tưởng chừng như một cú hích mới cho môn thể thao này phát triển, nhưng lại đưa nó vào thế chông chênh hơn bao giờ hết.

Sau ánh hào quang

Từ lâu, thể hình vẫn có tiếng là môn thể thao đặc biệt bởi ngoài vấn đề về tập luyện cần phải có thêm sự bổ trợ về dinh dưỡng, thuốc đặc hiệu… với sự tư vấn và chỉ dẫn của những chuyên gia dinh dưỡng, y tế giỏi.

Chỉ có qua tập luyện và dinh dưỡng đúng đường mới có thể đem lại cho các lực sỹ “kiến càng” cơ bắp đẹp và toàn diện. Vì thế, cái thời “tay không bắt giặc” đã qua và nếu quốc gia nào đầu tư bài bản mới mong có cơ hội chen chân lên sàn diễn quốc tế.

Trở lại với Giải vô địch thể hình và fitness châu Á, những ngôi vô địch Đinh Kim Loan, Phạm Văn Mách, Nguyễn Văn Lâm và tấm huy chương bạc nhưng đầy giá trị của Mỹ Linh đã cho thấy Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội ở những sân chơi quốc tế.

Trong cuộc đọ sức với các đối thủ mạnh được “trang bị đến tận răng” của Thái Lan, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Malaysia, Iran…, các lực sỹ Việt Nam đã thể hiện sự vững vàng về tâm lý qua các bài biểu diễn vòng loại và chung kết.

Trong số các tuyển thủ Việt Nam dự giải lần này, nổi bật lên là Phạm Văn Mách và Nguyễn Văn Lâm với sự bài bản trong biểu diễn và vượt trội về vẻ đẹp của cơ bắp. Đây cũng là lý do vì sao cả Phạm Văn Mách và Nguyễn Văn Lâm gần như không có đối thủ tại cuộc thi.

Ở thời điểm này, Phạm Văn Mách là lực sỹ kỳ cựu của thể hình Việt Nam với gần 10 năm gắn bó với đội tuyển quốc gia và 5 lần đăng quang ngôi vô địch châu Á. Nguyễn Văn Lâm tuy ít hơn về tuổi nghề nhưng đã 1 lần vô địch châu Á, 1 huy chương đồng thế giới và 1 huy chương vàng Asian Beach Games 2008… Họ hơn hẳn các vận động viên đàn em về ý thức nghề nghiệp và sự cần mẫn trong tập luyện.

Nhưng hơn thế, họ có sự đầu tư riêng biệt bằng… tiền túi của mình. Những yêu cầu cao của môn thể hình với sự chuyên biệt về dinh dưỡng, thuốc bổ trong bối cảnh kinh phí đầu tư của nhà nước ngày một hạn hẹp đã buộc họ phải tính đến “con đường riêng” để đến ngôi vô địch.

Không ít vận động viên Việt Nam phải thèm thuồng và ghen tị với các đồng nghiệp Thái Lan khi được “trang bị đến tận răng” cho cuộc thi này. Về chuyên môn, các lực sỹ Thái Lan được đích thân một chuyên gia có hạng của Mỹ hướng dẫn tập luyện và quan trọng hơn, là một bậc thầy về chế độ dinh dưỡng. Để đáp ứng những bài tập và chế độ dinh dưỡng chuyên biệt mà ông thầy này đề ra, mỗi lực sỹ Thái Lan được đầu tư 1.000 USD/tháng và thêm 500 USD/tháng tiền thuốc bổ cao cấp.

Trong khi đó, với các lực sỹ Việt Nam, việc tập luyện, chế độ dinh dưỡng phần nhiều là dựa trên kinh nghiệm của lớp đàn anh đi trước, thuốc bổ cấp nhỏ giọt và không phải là hàng tốt, nếu ai muốn có thành công thì hãy tự bỏ tiền túi.

Tìm hướng đi mới

Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra trước lối làm tự phát này, đó là việc các lực sỹ tự ý dùng thuốc mà không có được sự chỉ dẫn và tư vấn nào của các chuyên gia dinh dưỡng, y tế có kinh nghiệm.

Hiện nay trên thị trường có bán tràn lan nhiều loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ mà trong thành phần của nó không thiếu những chất thuộc danh mục cấm của Tổ chức chống doping thế giới (WADA).

Thể hình cũng là môn thể thao nhạy cảm và được WADA đặc biệt chú ý cùng với xe đạp - môn thi xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng doping nhất thế giới.

Vì thế, đã xảy ra trường hợp đáng tiếc bị cấm thi đấu một năm của lực sỹ Mỹ Linh hay chuyện một lực sỹ Việt Nam bị phát hiện mang thuốc bổ “ngoài luồng” trên đường sang Qatar dự ASIAD 15…

Thể hình Việt Nam đang cần đầu tư bài bản và có chiều sâu để tiếp tục thu hái được thành công. Không thể mãi chờ sự đầu tư nhỏ giọt của Nhà nước, thể hình Việt Nam cần phải tự vận động và tìm hướng đi mới cho mình.

Để có được kinh phí, có lẽ không có cách làm nào khác ngoài việc đưa Liên đoàn Thể dục Việt Nam gia nhập trào lưu xã hội hóa, mời các doanh nghiệp tham gia hoạt động của liên đoàn và tìm kiếm tài trợ cho các lực sỹ.

Đây cũng là cách làm thành công của Liên đoàn Thể hình Thái Lan và nhiều liên đoàn thể thao khác của nước này khi các vị chức sắc quan trọng trong ban chấp hành liên đoàn đều là các doanh nghiệp lớn. Các liên đoàn thể thao Thái Lan đều không sống nhờ sự đầu tư kinh phí của Chính phủ mà bằng nguồn vốn tài trợ. Chính vì vậy, sự minh bạch, rõ ràng và công khai tài chính luôn là yêu cầu trong công tác quản lý của các liên đoàn này.
Thể hình thế giới phân hóa

Một sự phân hóa rõ rệt đang xảy ra trong lòng giới thể hình quốc tế. Sự ra đi đột ngột của vị chủ tịch cũ Liên đoàn Thể hình thế giới (IFBB) và một vị phó chủ tịch lên thay thế đã không có được uy tín như vị tiền nhiệm của mình.
 
Những mâu thuẫn gay gắt giữa IFBB và AFBB (Liên đoàn Thể hình châu Á) khiến bùng nổ trên các diễn đàn thể hình thế giới vụ tố cáo Chủ tịch AFBB Paul Chua (Singapore) nhận tiền hối lộ và dàn xếp kết quả tại nhiều cuộc thi quan trọng.
 
Môn thể hình vốn đã ít “được lòng” các quan chức thể thao châu Á nay lại càng xuống cấp về uy tín. Tại ASIAD 16 tới, thể hình không có mặt trong chương trình thi đấu của đại hội và trong những kỳ ASIAD tiếp theo, sự ngặt nghèo trong quy định của OCA (Hội đồng Olympic châu Á) về việc chọn danh sách các môn thi càng đẩy thể hình tới thế chông chênh. Có lẽ trong tương lai, số phận của môn thể hình trong cuộc thi quan trọng ASIAD sẽ rất mong manh. 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục