Indonesia phấn đấu đạt tỷ lệ 30% nữ trong quốc hội

Indonesia hiện đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp, với mục tiêu đạt được tỷ lệ nữ 30% như Luật bầu cử quy định.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia hiện đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp dự kiến tổ chức vào ngày 9/4/2014 để bầu 560 nghị sỹ Quốc hội (Hạ viện-DPR), với mục tiêu đạt được tỷ lệ nữ 30% như Luật bầu cử quy định.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử Quốc gia Indonesia (KPU), Husni Kamil Manik cho biết các Ủy ban bầu cử địa phương đang tích cực thu thập và xác minh danh sách ứng cử viên cho cuộc bầu cử lập pháp cấp huyện/thành phố, và cấp quốc gia vì ngày 22/4 vừa rồi là thời hạn cuối cùng cho các chính đảng trình danh sách các ứng cử viên cho KPU.

Quá trình xác minh tính đầy đủ yêu cầu hành chính của các ứng cử viên lập pháp kéo dài từ ngày 23/4 đến 6/5/2013 và hạn cuối cùng để các ứng cử viên hoàn thiện và đáp ứng các yêu cầu quy định là ngày 22/5.

KPU sẽ xác nhận danh sách ứng cử viên DPR, Hội đồng lập pháp tỉnh (DPRD I) và Hội đồng lập pháp huyện/thành phố (DPRD II) từ ngày 30/5 đến 12/6.

KPU đang hối thúc các chính đảng tham gia tranh cử phải đáp ứng quy định Luật Bầu cử 10/2008, có ít nhất một nữ trong 3 ứng cử viên trong danh sách ứng cử, và cho biết trong số 34 đảng chính trị đăng ký với KPU, chỉ có 12 đảng cấp quốc gia và 3 đảng cấp địa phương đủ điều kiện tham gia cuộc tổng tuyển cử năm tới.

Đáng chú ý là trong số 12 đảng nói trên với 6.576 ứng cử viên (2.434 nữ và 4.142 nam) có tất cả 9 đảng đang có mặt trong Quốc hội hiện nay, bao gồm 6 đảng trong liên minh cầm quyền và 3 đảng đối lập, và 3 đảng cấp địa phương ở tỉnh được hưởng quy chế tự trị đặc biệt Aceh Darussalam ở miền Bắc Indonesia.

Khoảng 70% ứng cử viên cấp huyện/thành phố ở độ tuổi dưới 50 và là những gương mặt hoàn toàn mới trên chính trường.

Indonesia hiện có dân số trên 245 triệu người, trong đó nữ chiếm 50,14%, song tỷ lệ nữ nghị sỹ trong Quốc hội mới đạt 18,2%.

Liên hợp quốc cho biết tỷ lệ nữ trong Quốc hội trên toàn thế giới hiện chiếm khoảng 20,4%, và nước đứng đầu về tiêu chí này là Rwanda với 56,3% và Thụy Điển ở vị trí thứ hai với 47,3%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục