Có thể sử dụng laser để làm ra mưa nhân tạo

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học quốc tế cho thấy, có thể sử dụng laser để ion hóa phân tử trong không khí nhằm tạo ra mưa.
Hiện tại, công nghệ mưa nhân tạo thường được làm bằng cách phun một lượng nhỏ hóa chất (iốt bạc hoặc cácbon dioxit) vào các đám mây, làm hơi nước ngưng tụ, nặng dần lên và rơi xuống mặt đất.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học quốc tế đứng đầu là các nhà khoa học Thụy Sĩ đăng trên tạp chí “Tự nhiên-quang tử học” của Anh số ra mới nhất cho thấy, có thể sử dụng laser để ion hóa phân tử trong không khí nhằm biến chúng thành các hạt ngưng tụ tự nhiên qua đó đạt mục đích mưa nhân tạo.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ mới này là bắn lên không khí một laser xung ngắn năng lượng cao, mục đích là nhằm ion hóa phân tử nitơ và phân tử oxy trên đường nó chiếu qua. Các phân tử trong không khí này sẽ biến thành các hạt ngưng tụ tự nhiên, làm hơi nước ngưng tụ, nặng dần và rơi xuống mặt đất.

Kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy, sau khi bắn laser vào thiết bị thí nghiệm có chứa hơi nước, có thể quan sát được sự hình thành hạt nước với đường kính khoảng 50 micron. Những hạt nước nhỏ này còn có thể lớn dần trở thành các hạt nước lớn có đường kính khoảng 80 micron.

Ngoài ra, kết quả thí nghiệm ngoài trời cũng cho thấy, trong điều kiện nhiệt độ không khí tương đối cao, bắn laser có thể giúp thúc đẩy sự hình thành hạt nước trong không khí.

Tuy nhiên, nhà khoa học Roma Casparian thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, công nghệ này hiện tại vẫn trong giai đoạn sơ khai, chưa thể lập tức ứng dụng vào làm mưa nhân tạo, bởi vì một tia laser chỉ có thể thúc đẩy sự hình thành hạt nước trên đường nó chiếu qua.

Vì vậy, bước tiếp theo các nhà khoa học sẽ nghiên cứu phương thức quét laser trong không trung nhằm làm hơi nước ngưng tụ trong một diện tích rộng.

Cũng có một số quan điểm cho rằng, mặc dù một tia laser không thể trực tiếp dùng làm mưa nhân tạo, nhưng có thể thông qua việc đo đạc quy mô hình thành hạt nước để phán đoán nhiệt độ không khí, qua đó phục vụ công tác dự báo mưa./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục