Liên hợp quốc tập trung thảo luận về vấn đề cải tổ

Trọng tâm của chương trình nghị sự của Đại hội đồng LHQ khóa 65 là phát triển, môi trường và cải tổ cơ quan đa phương này.
Ngày 14/9, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 Joseph Deiss nhấn mạnh trọng tâm của chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 trong năm 2011 là phát triển, môi trường và cải tổ cơ quan đa phương lớn nhất hành tinh này.

Tuyên bố khai mạc kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Chủ tịch Deiss chỉ rõ các lĩnh vực ưu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 sẽ là thúc đẩy nhanh tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), cải tổ Liên hợp quốc và thúc đẩy phát triển bền vững thân thiện với môi trường.

Ông nhấn mạnh mặc dù nền kinh tế mới đây vừa rơi vào khủng hoảng nhưng các MDG hiện đã ở trong tầm tay của nhân loại. Tuy nhiên, thế giới cần tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong cuộc chiến chống đói nghèo, tỷ lệ tử vong của trẻ em và sức khỏe các bà mẹ. Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 phải đạt được cam kết mạnh mẽ và kế hoạch hành động thực sự hiệu quả để đảm bảo nhân loại đạt được các mục tiêu MDG đầy tham vọng đã được cộng đồng quốc tế nhất trí năm 2000.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 cũng khẳng định cộng đồng quốc tế cũng cần nỗ lực "phục hồi" nhằm đưa Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc 192 thành viên trở lại vai trò trung tâm chi phối toàn cầu.

Những thách thức mà thế giới hiện đang đối mặt có quy mô toàn cầu và cần giải pháp toàn cầu. Những hành động của Liên hợp quốc cần phải có tính pháp lý rộng rãi và là kết quả của các tiến trình toàn diện. Liên hợp quốc cần cải thiện các cơ chế thông tin, tư vấn, và hợp tác giữa Liên hợp quốc và các nhà hành động khác cũng như các công cụ chi phối toàn cầu.

Các nước thành viên Liên hợp quốc cũng phải đảm bảo có hành động quyết định để cải tổ nội bộ Liên hợp quốc, trong đó cải tổ Hội đồng Bảo an đóng vai trò quan trọng. Ông nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế các nước và toàn cầu.

Biến đổi khí hậu, khả năng dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học là những thách thức môi trường tác động đến tất cả các nước, vì vậy, cần các nỗ lực phối hợp của tất cả các nước. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức về sự cần thiết các cơ cấu kinh tế tôn trọng hơn đối với môi trường và các thế hệ tương lai.

Phát biểu kết thúc nhiệm kỳ, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 mãn nhiệm Ali Treki khẳng định những thành công của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 trong các sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình, tăng cường an ninh và phát triển, thúc đẩy thực hiện các MDG.

Ông nhấn mạnh Đại hội đồng Liên hợp quốc đã được củng cố. Tiếp tục đầu tư phục hồi sức mạnh và vai trò của Liên hợp quốc phù hợp với lợi ích của tất cả các nước. Ông kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc biến sự ủng hộ tiến trình này thành hành động cụ thể để đảm bảo các mục tiêu của tiến trình sớm trở thành hiện thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục