Thực phẩm chững giá khi dân lo thắt chặt chi tiêu

Nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng chững giá bán và không dám tăng thêm do nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể.
Giá xăng dầu tăng mạnh tác động không nhỏ đến thị trường thực phẩm trong những ngày qua, bên cạnh những mặt hàng “té nước theo mưa” tăng giá như thực phẩm rau xanh, thì nhiều mặt hàng tươi sống như thủy, hải sản lại có xu hướng chững giá bán và không dám tăng thêm do nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể.

[Thực phẩm tươi sống “nhảy múa” theo giá xăng dầu]

Khảo sát của phóng viên Vietnam+ ngày 3/4 tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Nghĩa Tân, Đồng Tâm, Ngã Tư Sở, Phùng Khoang, Phía Nam… cho thấy, giá các loại thủy, hải sản và một số hàng thịt có xu hướng chững giá, thậm chí được bán với giá “mềm” hơn so với vài ngày trước nhằm kéo sức mua của người tiêu dùng.

Cụ thể, giá một số loại thủy, hải sản vẫn duy trì ở mức giá cũ như, ngao 20.000 - 23.000 đồng/kg, mực tươi được bán với giá 170.000 đồng/kg; tôm sú loại lớn (8-10 con/kg) có giá dao động trong khoảng 450.000-460.000 đồng/kg, tôm sú loại nhỏ (25-30 con/kg) được bán với giá 150.000-160.000 đồng/kg; ghẹ có giá từ 200-230.000 đồng/kg tùy vào ghẹ loại lớn và loại nhỏ...

Các loại cá cũng có giá bán “mềm” như cá chép 60.000-65.000 đồng/kg, cá diêu hồng được bán với giá 65.000 đồng/kg, cá rô phi dao động trong khoảng 35.000-45.000 đồng/kg, cá trôi cũng có giá 34.000 đồng/kg…

Lý giải cho việc không thể tăng giá bán, nhiểu tiểu thương cho biết, thời điểm kinh tế khó khăn, khiến người dân tính toán thắt chặt chi tiêu hằng ngày, kéo theo lượng cầu trên thị trường giảm mạnh. Chính vì vậy mà các tiểu thương cũng không dám tăng thêm giá bán vì sợ ế hàng.

Anh Cao Lê Quân, một chủ hàng thủy, hải sản tại chợ Đồng Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, những ngày qua mưa gió liên tục, chợ vắng bóng người mua và hầu như chỉ thấy người bán, khiến hàng hóa ngưng đọng. Các chủ quầy hàng không dám tăng giá, chỉ "giữ khách" với nguyên giá vốn.

"Trước đây, nhiều người mua chỉ quan tâm chọn sao cho ngon, thì bây giờ ngoài ra họ còn cân nhắc thêm chỉ lấy vừa tiền, thậm chí muốn mua cá to cũng chung nhau chia ra chứ ít người lấy nguyên cả con," anh Quân nói.

Trong khi đó, giá các mặt hàng như thịt bò cũng khá ổn định, dao động từ 200.000-260.000/kg, như thịt bò thăn có giá 250.000 đồng/kg, thịt mông có giá 240.000 đồng/kg, thịt nạc vai có giá 220.000-230.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Nhàn, khách mua thịt cho biết, để cân đối chi tiêu hằng ngày, chị phải chắt bóp du di nhiều khoản đồng thời tính toán bữa ăn sao cho hợp lý và tiết kiệm, không phải chờ hàng hóa tăng mới lo hạn chế mua.

Hơn nữa, "thời buổi kinh tế khó khăn, đành phải ‘thắt lưng buộc bụng’ mới mong đủ chi cho những khoản khác. Một thứ tăng thì kéo theo nhiều phí tăng phụ trội, khiến những người nội trợ như chị khéo léo lắm mới xoay sở được cuộc sống cơm-áo-gạo-tiền,” chị Nhàn thở dài./.

Tâm Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục