Canada lập cơ quan đại diện thương mại ở Myanmar

Canada lập văn phòng đại diện thương mại ở Myanmar trong lúc Mỹ và phương Tây có động thái khôi phục quan hệ với Myanmar.
Ngày 3/9, Bộ trưởng Ngoại thương kiêm Quốc vụ khanh phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Canada Ed Fast đã công bố kế hoạch mở văn phòng cơ quan đại diện thương mại thường trú của nước này tại Myanmar.

Bộ trưởng Ed Fast, đang công du Myanmar, nhấn mạnh quan hệ thương mại song phương được củng cố mang lại lợi ích cho cả hai nước. Việc mở rộng làm ăn với Myanmar sẽ giúp các doanh nghiệp của Canada tạo thêm nhiều việc làm, giá các loại hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, trong khi các đối tác Myanmar sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, dịch vụ....

Cũng theo Bộ trưởng Ed Fast, việc đặt văn phòng đại diện thương mại Canada tại Myanmar đảm bảo rằng các doanh nghiệp nước này sẽ có sự hỗ trợ từ nước sở tại để nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, đánh giá những rủi ro và đảm bảo các đối tác địa phương tại thị trường Myanmar là những cá nhân và công ty có uy tín nhất.

Trước đó, hồi tháng Tư vừa qua, Canada đã tuyên bố đình chỉ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với Myanmar nhằm đáp lại tiến trình cải cách tích cực tại quốc gia Đông Nam Á này trong 18 tháng qua.

Canada hiện có mạng lưới các văn phòng đại diện thương mại tại hơn 150 thành phố khắp thế giới, với nhiệm vụ hỗ trợ các công ty Canada tìm kiếm xuất khẩu, đầu tư ở nước ngoài, thu hút đầu tư hoặc phát triển các quan hệ đối tác sáng chế, nghiên cứu và phát triển.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2006, chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper đã mở thêm 15 văn phòng đại diện thương mại mới tại các thị trường phát triển nhanh như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của các thị trường đang nổi và đảm bảo rằng các công ty Canada có thể "chớp" được các cơ hội kinh doanh.

Quyết định thành lập văn phòng đại diện thương mại của Canada được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây trong thời gian gần đây đã có những động thái tích cực nhằm khôi phục từng bước quan hệ ngoại giao với Myanmar.

Tháng 4/2012, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đình chỉ một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại, kinh tế và các cá nhân đối với Myanmar, theo đó cho phép các công ty của châu Âu đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng Bảy cũng đã tuyên bố nới lỏng các biện pháp trừng phạt, qua đó cho phép các công ty Mỹ đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính vào Myanmar, đồng thời bổ nhiệm Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Myanmar, ông Derek Mitchell, làm đại sứ Mỹ đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 1990./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục