Tình trạng suy thoái ở Eurozone vẫn gây quan ngại

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh) lại tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2013 xuống còn 3,1%, từ mức dự báo 3,3% mà EIU đưa ra hồi tháng trước. EIU cho rằng sự thay đổi này phản ánh những diễn biến tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó cuộc suy thoái tồi tệ hơn dự báo ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là mối lo ngại lớn nhất. Ngoài ra, sự phục hồi chậm hơn mong đợi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh này.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh) lại tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2013 xuống còn 3,1%, từ mức dự báo 3,3% mà EIU đưa ra hồi tháng trước.

EIU cho rằng sự thay đổi này phản ánh những diễn biến tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó cuộc suy thoái tồi tệ hơn dự báo ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là mối lo ngại lớn nhất. Ngoài ra, sự phục hồi chậm hơn mong đợi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh này.

Tuy nhiên, EIU kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm 2014 nhờ nền kinh tế đầu tàu Mỹ tiếp tục đà phục hồi từ nửa sau năm nay, trong khi kinh tế Eurozone chấm dứt thời kỳ suy giảm và đạt mức tăng trưởng nhẹ. Tổ chức này dự báo nền kinh tế thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm tới.

Đối với nền kinh tế Mỹ, EIU nhận định tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ ở mức vừa phải nhưng không đều giữa các quý. Việc thắt chặt tài khóa sẽ làm giảm động lực cho quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này, tuy nhiên xu hướng chung là khá tích cực. Do vậy, EIU giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức 2,1% trong năm nay và 2,4% năm kế tiếp.

Ở Eurozone, cuộc khủng hoảng ở Cộng hòa Síp, quốc gia thành viên mới nhất phải cầu viện tới gói cứu trợ tài chính, đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến các nước đang phải vật lộn với khó khăn khác. Mặc dù nguy cơ thị trường chung này sụp đổ đã lắng dịu phần nào đó, nhưng EIU cho rằng khu vực đồng tiền chung vẫn chưa có động lực tăng trưởng. Theo EIU, kinh tế Eurozone sẽ sụt giảm 0,7% trong năm nay trước khi đạt mức tăng trưởng 0,5% trong năm sau, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng trước, lần lượt là 0,4% và 1%.

Về nền kinh tế lớn thứ ba thế giới Nhật Bản, EIU cho rằng chính sách kinh tế của nước này đã có nhiều thay đổi, trong đó có việc Ngân hàng trung ương bơm thêm tiền để đạt mục tiêu kép là chống giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Với yếu tố tích cực này, EIU dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2013, cao hơn con số 0,9% đưa ra hồi tháng 3.

Báo cáo của EIU cho biết thị trường nhóm các nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang trải qua những khó khăn kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc, từ 7,9% trong quý IV/2012 xuống 7,7% trong quý đầu năm nay. Do đó, EIU đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2013 của Trung Quốc từ 8,4% trong báo cáo trước đó xuống 8%. Tuy nhiên, EIU kỳ vọng kinh tế Ấn Độ sẽ phục hồi mạnh trong năm nay, lên mức 6,5%. Trong khi đó, nền kinh tế Nga được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với một năm khó khăn, với mức tăng trưởng vào khoảng 2,8%, thấp hơn dự báo 3,3% trước đó.

Trong báo cáo lần này, EIU cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Âu trong năm 2013, từ 2,3% xuống 1,9%, vì cho rằng khu vực này tiếp tục chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ Eurozone, trong khi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của khu vực Nam sa mạc Sahara ở mức 4,4% trong năm nay và gần 5% trong năm tiếp theo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục