Nỗi lo kinh tế đè nặng lên chứng khoán châu Á

Những lo ngại về tốc độ tăng trưởng trong quá trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu đã gây sức ép lên thị trường chứng khoán châu Á, khiến nhiều chỉ số chứng khoán chủ chốt của khu vực bị mất điểm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ra thông cáo về việc tiếp tục có thêm các biện pháp kích thích kinh tế thời khủng hoảng. Trong khi đó, một số nhà quan sát tin rằng động thái trên của FED chỉ làm cho giới đầu tư thêm lo lắng về kinh tế Mỹ và thúc đẩy hoạt động bán ra các tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán.
Những lo ngại về tốc độ tăng trưởng trong quá trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu đã gây sức ép lên thị trường chứng khoán châu Á, khiến nhiều chỉ số chứng khoán chủ chốt của khu vực bị mất điểm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ra thông cáo về việc tiếp tục có thêm các biện pháp kích thích kinh tế thời khủng hoảng. Trong khi đó, một số nhà quan sát tin rằng động thái trên của FED chỉ làm cho giới đầu tư thêm lo lắng về kinh tế Mỹ và thúc đẩy hoạt động bán ra các tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán.

Daniel Chan, chuyên gia kinh tế trưởng đồng thời là chiến lược gia về quản lý tài sản thuộc BWC Capital có trụ sở tại Hongkong nói rằng trong tương lai, FED sẽ có thêm hành động nhằm "bơm" thêm tiền vào hệ thống ngân hàng. Đây có thể là thông tin tích cực đối với trái phiếu Mỹ, nhưng không phải là thông tin tốt đối với thị trường chứng khoán toàn cầu.

Chứng khoán Tokyo đã giảm tới 2,7% (258,20 điểm) xuống 9.292,85 điểm khi kết thúc phiên 11/8, do các hãng xuất khẩu bị tổn hại khi đồng yen Nhật tăng giá. Trong phiên này, cổ phiếu của Honda Motor và Canon đều giảm 3,27%, trong khi cổ phiếu của Sony cũng giảm 2,8%.

Hàng loạt các thị trường chứng khoán khác ở châu Á cùng "đỏ sàn" trong phiên này, cũng do những lo ngại chung về sự hồi phục của kinh tế toàn cầu, trong đó chứng khoán Seoul giảm 1,29% xuống 1.758,19 điểm và chứng khoán Đài Bắc giảm 1,02% xuống 7.895,03 điểm.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và hải ngoại diễn biến trái chiều. Tại Hongkong, chỉ số Hang Seng giảm khá mạnh 179,06 điểm xuống 21.294,54 điểm theo xu hướng giảm chung của chứng khoán khu vực.

Trong khi đó, chỉ số Composite (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) tại Thượng Hải lại tăng 12,22 điểm, sau khi có số liệu chính thức cho thấy tình hình lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 7/2010 diễn biến đúng như dự kiến của đa số chuyên gia./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục