Giá dầu trên thị trường châu Á lấy lại đà tăng

Trong phiên giao dịch ngày 21/5, giá dầu trên thị trường châu Á lấy lại đà tăng, trước những quan ngại về nguồn cung ở Trung Đông.
Trong phiên giao dịch ngày 21/5, giá dầu trên thị trường châu Á lấy lại đà tăng, trước những quan ngại về nguồn cung thắt chặt tại Trung Đông.

Cụ thể, chiều cùng ngày tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 6/2012 tăng 37 xu lên 91,85 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2012 tăng 77 xu lên 107,91 USD/thùng.

Justin Harper, chiến lược gia thị trường thuộc hãng IG Markets Singapore, nhận định mối lo sợ nguồn cung dầu mỏ tại khu vực Trung Đông sẽ bị gián đoạn đang là nhân tố chi phối giá dầu trong phiên đầu tuần này. Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo nhóm G8 đã gửi đến Iran một thông điệp mạnh mẽ rằng các biện pháp trừng phạt đối với nước này sẽ được áp dụng, trước khi vòng đàm phán tiếp theo được khởi động tại Bagdad.

Hiện nay, Iran đang đối mặt với hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.

Bên cạnh đó, giá "vàng đen" còn được hỗ trợ bởi lời kêu gọi của nhóm G8 về việc giúp Hy Lạp ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và bàn thảo các biện pháp để chặn đứng "cơn bão nợ" tại "lục địa già". Theo chiến lược gia Harper, cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu của nhóm G8 đã xoa dịu mối quan ngại của nhà giao dịch trên thị trường về những rắc rối tài chính tại Eurozone.

Tuy nhiên, DBS Bank cho rằng tuyên bố của G8 chỉ là những lời hứa suông mà không có gì cụ thể. Do đó, giới đầu tư đang hướng sự chú ý sang cuộc họp không chính thức của EU vào ngày 23/5 tới. Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) đã diễn ra trong hai ngày 18 và 19/5 tại Maryland (Mỹ). Hiện G8 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga và Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Iran Shamseddin Hosseini vừa nói rằng giá dầu thô chắc chắn sẽ bị "thổi" lên cao nếu Liên minh châu Âu (EU) áp dụng lệnh cấm vận triệt để đối với mặt hàng chiến lược của quốc gia Vùng Vịnh này trong tháng 7 tới và lệnh cấm vận sẽ tác động ngược đến đối tượng thực hiện.

EU chuẩn bị áp lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu thô xuất khẩu của Iran vào khu vực này trong tháng 7/2012. Mỹ cũng đang áp lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Iran.

Hồi tháng 1/2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng giá dầu thô trên thị trường thế giới có thể sẽ tăng khoảng 30%, thậm chí lên tới 160 USD/thùng, do hậu quả của lệnh cấm vận dầu mỏ Iran của EU và Mỹ. Chắc chắn khu vực tài chính và sản lượng kinh tế của châu Âu sẽ vì thế mà sụt giảm.

Lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Iran nhằm mục đích ngăn cản tham vọng hạt nhân của nước này, vì phương Tây nghi ngại Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Iran cho rằng chương trình hạt nhân của họ là để sản xuất năng lượng vì mục tiêu hòa bình.

Ông Hosseini khẳng định lệnh trừng phạt Iran sẽ "phản pháo" lại các nước phương Tây, trong khi mức giá hợp lý nhất của dầu thô đối với cả người sản xuất và tiêu dùng là 100 USD/thùng để đảm bảo đà phát triển kinh tế toàn cầu.

Cuối tuần trước, Iran đã thông báo điều chỉnh tăng ngân sách hàng năm theo phương án giá dầu cao lên do lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào nước này. Theo đó, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã thông qua ngân sách quốc gia tài khóa 2012-2013 (kết thúc tháng 3/2013) ở mức 5.560 tỷ rial (453 tỷ USD), cao hơn dự thảo ngân sách mà Tổng thống Iran trình lên Nghị viện hồi tháng 2/2012 với 5.100 tỷ rial (410 tỷ USD).

Iran, thành viên sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đang được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng vững trong quý I/2012, do EU thông báo kế hoạch cấm nhập khẩu dầu thô từ Iran. Bất chấp lời phủ nhận của chính quyền Iran, một số tổ chức quốc tế cho rằng nước này đang gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu dầu.

Theo ước tính của OPEC, sản lượng dầu thô của Iran đã giảm mạnh kể từ năm 2008, xuống 3,2 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2012 - mức thấp nhất trong hai thập niên trở lại đây - nhưng Iran từ chối bình luận về thông tin này./.

Trang Nhung-Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục