Đồng USD yếu, chứng khoán khởi sắc đẩy giá dầu

Đồng euro tăng giá so với đồng USD và chứng khoán thế giới đi lên tạo lực đẩy cho thị trường dầu mỏ tăng trở lại 2% trong phiên 19/7.
Giá dầu đảo ngược xu thế giảm giá phiên trước đó để bật tăng trở lại 2% trong phiên 19/7 tại thị trường New York, London và tiếp tục đà này trong phiên 20/7 tại thị trường châu Á, trong bối cảnh giới đầu tư đẩy mạnh mua vào các tài sản mang tính rủi ro cao như chứng khoán và đồng euro với niềm tin và sự lạc quan vào khả năng châu Âu có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ.

Kết thúc phiên 19/7 tại New York, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 8/2011 tăng 1,57 USD lên 97,71 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2011 cũng tăng 1,01 USD/thùng lên 117,06 USD/thùng.

Tiếp đà này, đến chiều 20/7 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu WTI giao tháng 8/2011 tiếp tục tăng 72 cent lên 98,22 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2011 tăng 78 cent lên 117,84 USD/thùng.

Nhà phân tích Matt Smith thuộc Công ty Summit Energy nhận định rằng mọi thứ thay đổi từng ngày, nhưng 19/7 là ngày sáng của thị trường dầu mỏ khi giới đầu tư nhận thấy khả năng tiềm tàng trong giải quyết "câu chuyện" nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo Eurozone có cuộc họp khẩn vào ngày 21/7 nhằm tìm cách tránh cho Hy Lạp khỏi lâm vào cảnh vỡ nợ, vì nếu Hy Lạp vỡ nợ sẽ gây ra hiệu ứng tàn phá đối với cả châu Âu rộng lớn. Trước thềm cuộc họp này, đồng euro tăng giá so với đồng USD và chứng khoán thế giới đi lên đã tạo lực đẩy cho thị trường dầu mỏ.

Về diễn biến của giá dầu phiên 20/7, các chuyên gia phân tích nhìn chung cho rằng giới đầu tư đang khá lạc quan về lĩnh vực nhà ở của Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới, sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy trong tháng 6/2011, số nhà và căn hộ được xây dựng mới đã tăng 14,6% lên 629.000 căn, mức cao nhất kể từ tháng 1/2011 và vượt dự kiến của giới phân tích.

Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến họp bàn với các nước thành viên vào ngày 23/7 tới để quyết định xem liệu có tiếp tục rút kho dự trữ dầu mỏ chiến lược để đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Hồi tháng nước, lần thứ 3 trong lịch sử IEA, 28 nước thành viên khối này đã nhất trí rút kho dự trữ 60 triệu thùng dầu, trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt thị trường vốn đã đẩy giá dầu Brent tăng gần 20% kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Libya. Điều này đã giúp giá dầu Brent hạ xuống 102,28 USD/thùng vào ngày 27/6, nhưng hiện đang trở lại mức cao như trước./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục