Mạnh tay với hành vi vi phạm an toàn giao thông

Ngay từ đầu năm 2012 - Năm an toàn giao thông, các ngành, địa phương triển khai các giải pháp quyết liệt để giảm tai nạn giao thông.
Sự ra quân rầm rộ của các địa phương trong những ngày đầu năm mới đã phần nào thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn, ùn tắc giao thông trong năm 2012.

Khi tai nạn giao thông vẫn hàng ngày, hàng giờ là hiểm họa với mỗi gia đình và toàn xã hội, biết bao cảnh đời cô quạnh vì mất mẹ, mất cha, biết bao gia đình hiu hắt vì mất người thân trong các vụ tai nạn, thì việc vào cuộc quyết liệt của mọi cấp, mọi ngành là đòi hỏi cấp thiết.

Như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhấn mạnh: “Lãnh đạo các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để có biện pháp điều hành đồng bộ, quyết liệt, liên tục các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.”

Tai nạn giao thông-hiểm họa rình rập

Năm 2011, mặt dù số vụ, số người chết đều giảm so với năm 2010 nhưng mỗi ngày, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 người, làm bị thương gần 30 người trong 40 vụ tai nạn xảy ra.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 10 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra trên 11.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.200 người, bị thương 8.300 người. Trong số đó, tai nạn giao thông đường bộ chiếm tới 94,26% số vụ (10.400 vụ), 96% số người chết (8.900 người) và làm bị thương hơn 8.000 người. tiếp đến là tai nạn giao thông đường sắt với 455 vụ, làm chết hơn 230 người, bị thương 300 người, tăng cả ba mặt: số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2010.

Riêng trong tháng An toàn giao thông, cả nước xảy ra trên 1.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 866 người, bị thương hơn 700 người. Đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy bình quân mỗi năm nước ta có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông gây ra.

Nếu so sánh với đại thảm họa kép sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 thì số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75,55% và số người bị thương bằng 156,58%.

Phân tích nguyên nhân cho thấy có đến 72% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe gắn máy với nguyên nhân chủ yếu là không chấp hành quy tắc giao thông.

Nhìn nhận về tình hình an toàn giao thông năm 2011, các nhà chức trách cho rằng số vụ, số người chết và bị thương năm 2011 có giảm nhưng chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng bởi cái gốc của vấn đề là ý thức tham gia giao thông, là kết cấu hạ tầng giao thông… vẫn chưa giải quyết được.

Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, mức phạt đối với các hành vi phạm là chưa đủ liều, trong Tháng an toàn giao thông, dù các lực lượng triển khai quyết liệt nhưng tai nạn không giảm là bao do ý thức của người tham gia giao thông kém, chủ động vi phạm và chịu phạt để rồi tiếp tục vi phạm.

Còn khó và vướng

Phải cam kết giảm cho được 10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương - yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012 là mệnh lệnh hành động cho mỗi địa phương. Hiệu quả của sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông sẽ được lượng hóa bằng những con số cụ thể đó. Song, để giải quyết vấn đề một cách căn cơ lại là điều không hề đơn giản.

Trong khi phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải lại còn nhiều bất cập và yếu kém.

Tại Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân mỗi năm tăng 10%-15% nhưng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, chỉ chiếm 7%- 8% đất xây dựng đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chỉ có loại hình xe buýt và mới đáp ứng được 8% nhu cầu đi lại.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, 5 năm qua, bình quân mỗi năm dân số thành phố tăng 300.000 người nhưng quỹ đất dành cho giao thông động chỉ 5%-6% và giao thông tĩnh chỉ là 1%. Việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như cho duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa tương xứng với mức độ phát triển kinh tế xã hội cũng như tốc độ gia tăng phương tiện giao thông.

Cùng với đó, ý thức của một bộ phận không nhỏ người người tham gia giao thông chưa cao, chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm, việc ban hành và thực hiện các quy hoạch cũng như văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn… cũng đang là những trở ngại lớn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo từng băn khoăn giảm tai nạn và ùn tắc giao thông phải bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen tham gia giao thông. Nhưng thay đổi thói quen, nhất là thói quen xấu là không hề đơn giản, phải làm sao giáo dục được ý thức đi đường cho người dân.

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng năm 2011 bắt nguồn từ nguyên nhân cơ bản là người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông và những vi phạm trong quản lý doanh nghiệp của chủ phương tiện như khoán doanh thu, khoán thời gian hành trình, không thực hiện quy định về thời gian trực tiếp lái xe…

Tình trạng “nhờn luật” trong giới trẻ; điều khiển xe lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô, xe máy; chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ở một số nơi chưa nghiêm túc… cũng là những nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

Thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông

Được lấy là Năm An toàn giao thông với chủ đề “Thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn”, năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt, đồng bộ để có thể kéo số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông xuống từ 5%-10% mỗi năm, cũng như từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều vấn đề cấp bách và lâu dài đã được đề xuất như: tổ chức lại giao thông, đẩy mạnh phân làn giao thông đường đô thị và phân luồng trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ; thu phí lưu hành phương tiện cá nhân; lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè ở các đô thị và hành lang an toàn giao thông…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để đảm bảo an toàn giao thông thì các biện pháp cấp bách đặt ra là nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước; chống tiêu cực trong đăng ký, đăng kiểm, cấp bằng lái xe; tăng cường phối hợp các lực lượng tuần tra kiểm tra liên tục 365 ngày; quy định trách nhiệm cá nhân công chức, viên chức, người thực thi công vụ trong an toàn giao thông.

Thông báo người vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đến tận khu dân cư, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe; con cán bộ có vi phạm, bố mẹ phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần tăng cường nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật, có biện pháp mạnh với các hành vi vi phạm, tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép, xử phạt ở mức cao nhất đối với các vụ gây tai nạn, truy tố người vi phạm và bỏ tù những đối tượng cầm đầu đua xe trái phép.

Kiến nghị từ hai thành phố lớn có nhiều bức xúc về vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cùng với các biện pháp phạt nặng với các hành vi vi phạm, việc hạn chế phương tiện cá nhân và người nhập cư vào khu vực đô thị trung tâm, tăng cường phương tiện vận tải công cộng, quản lý chặt lòng đường, vỉa hè sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông.

Biện pháp mà Hà Nội chú trọng thực hiện ngay trong đầu năm nay là điều chỉnh giờ làm trên địa bàn thành phố, phân làn tách dòng giao thông theo phương tiện trên một số tuyến đường, xây dựng cầu đi bộ qua đường, sắp xếp điều chỉnh lại luồng tuyến vận tải hành khách công cộng một cách hợp lý. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiến hành thu hồi tất cả các vị trí dừng đỗ (cả không phép và có phép) gây ảnh hưởng tới giao thông, giải tỏa vi phạm hành lang giao thông; lấn chiếm hè phố; bố trí quỹ đất dành cho bãi đỗ xe ngoài vành đai 2, vành đai 3; chuẩn bị đầu tư các dự án cải tạo nút giao thông khác cốt…

Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngành công an có nhiều đề xuất, kiến nghị mạnh mẽ như: quy vào tội gây rối trật tự công cộng đối với hành vi đua xe trái phép; tịch thu các phương tiện tham gia đua xe, bất kể nguồn gốc từ đâu; đưa các hợp tác xã vận tải hành khách vào hoạt động kinh doanh có điều kiện để quản lý cho tốt; tăng mức phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ…

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, cần xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép những trung tâm đào tạo lái xe vi phạm, có tỷ lệ lái xe gây tai nạn cao, chấm dứt tình trạng đào tạo bằng thật nhưng chất lượng giả, hướng tới việc cảnh sát giao thông tham gia sát hạch lái xe. Để xe được tham gia giao thông, các chủ xe ôtô bắt buộc phải mở tài khoản và duy trì tài khoản đó, nếu có vi phạm sẽ bị khấu trừ luôn, tránh trường hợp lái xe vi phạm, bỏ xe, chủ xe cũng trốn nộp phạt. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, các cán bộ, viên chức can thiệp vào việc xử lý trật tự an toàn giao thông của ngành công an./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục