Malaysia chuẩn bị đối phó tình trạng dân số già

Với tỷ lệ dự kiến 15% ( 3,4 triệu) người cao tuổi vào năm 2030, Malaysia sẽ đào tạo thêm hàng nghìn bác sỹ chuyên chăm sóc "các cụ."
Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, Malaysia sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2030, lúc đó, số người trong độ tuổi từ 60 trở lên chiếm khoảng 15% dân số.

Hiện số người cao tuổi của nước này vào khoảng 2,1 triệu người, chiếm khoảng 7,3% của 28 triệu dân.

Trước xu hướng tăng trưởng hiện nay, dân số Malaysia sẽ đạt khoảng 35 triệu người vào năm 2020, với 3,4 triệu người già.

Cũng trong khoảng thời gian này, tuổi thọ trung bình đối với nam giới Malaysia là 74,2 và nữ giới là 79,1, tăng so với 72,6 và 77,5 cho từng giới trong năm 2010.

Với xu hướng tuổi thọ tăng cao này, Malaysia rõ ràng cần phải có các biện pháp để sẵn sàng đối phó, đặc biệt là trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng chăm sóc người cao tuổi.

Malaysia sẽ đề ra một kế hoạch chiến lược, theo đó sử dụng lực lượng người cao tuổi như một nguồn tài nguyên trong tiến trình chuẩn bị khi trở thành quốc gia có dân số già.

Theo kế hoạch, Malaysia sẽ cần phải đào tạo khoảng 700 chuyên gia lão khoa vào năm 2020, bởi hiện nay họ mới chỉ có 21 chuyên gia địa phương.

Trong khi đó, Cục phát triển gia đình và dân số quốc gia (LPPKN) sẽ phối hợp với Bộ Y tế để đào tạo thêm các bác sỹ chuyên chăm sóc người cao tuổi.

LPPKN cũng đang tập trung xử lý một số vấn đề đang có xu hướng gia tăng, như giờ đây ít người già muốn chung sống với con cháu.

Nhiều người kết hôn muộn hơn hoặc thích sống độc thân và người Malaysia có xu hướng duy trì mô hình gia đình nhỏ để đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Trong xã hội Malaysia, phụ nữ thuộc lực lượng lao động bỏ việc để chăm sóc gia đình chiếm tới 56%, một con số ảnh hưởng rõ rệt tới phát triển kinh tế của đất nước. Để giải quyết vấn đề này, LPPKN đang có kế hoạch tăng cường các chính sách nhằm giúp chị em cân bằng giữa công việc gia đình và sự nghiệp.

Theo báo cáo của Quỹ dân số Liên hợp quốc ở Malaysia (UNFPA), trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng mạnh, từ ba tỷ lên bảy tỷ vào tháng 10 năm nay.

Dân số tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển, trong đó tại Uttar Pradesh, một bang miền Bắc Ấn Độ có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới.

Chỉ riêng trong năm nay, sẽ có khoảng 135 triệu trẻ sơ sinh chào đời, trong khi 57 triệu người sẽ về thế giới bên kia. Như vậy Trái Đất sẽ có thêm 78 triệu nhân khẩu.

Theo ước tính, trong vòng 40 năm tới, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,3 tỉ người, trong đó một nửa là ở châu Phi. Sở dĩ dân số tăng nhanh là nhờ kinh tế phát triển, an ninh bảo đảm và chăm sóc y tế được cải thiện.

Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong việc cung cấp lương thực, nước sinh hoạt và nhà ở cũng như năng lượng cho cư dân tăng vọt của họ.

Trong khi đó, dân số tại nhiều nước phát triển vẫn giữ nguyên nhưng lại già đi.

Châu Á chiếm tới 60% dân số thế giới, đồng thời tốc độ thành thị hóa cũng nhanh nhất hành tinh, với 14 trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới nằm ở châu Á./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục