Chứng khoán châu Á giảm phiên thứ hai liên tiếp

Chiều 23/9, chứng khoán châu Á ghi dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp, khi mối lo kinh tế toàn cầu suy thoái trở lại ngày càng được "đào sâu."
Chiều 23/9, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương ghi dấu phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh đồng USD lên giá và mối lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi trở lại suy thoái ngày càng được "đào sâu."

Tuy nhiên, đến cuối phiên hầu hết các thị trường đều bù đắp được phần nào sự "sa sút" vào đầu phiên, sau khi cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết sẽ cùng nhau hành động để ổn định thị trường tài chính.

Trong thông cáo sau cuộc họp tối 22/9 tại Washington (Mỹ), nhóm G20 cam kết sẽ làm tất cả những gì cần thiết trên tinh thần phối hợp, để ngăn chặn tác động của khủng hoảng nợ công tại châu Âu đối với hệ thống ngân hàng và các thị trường tài chính toàn cầu.

Các nước này đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ được tái vốn hóa đầy đủ và được tiếp cận các nguồn tài chính để đối phó với các rủi ro hiện nay.

Tại Trung Quốc, chốt phiên 23/9, chỉ số Shanghai Composite (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) giảm nhẹ 9,9 điểm (0,41%) xuống 2.433,16 điểm.

Trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong giảm 236,7 điểm (1,32%) xuống 17.675,25 điểm. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 cũng mất 61,7 điểm (1,56%) và đóng cửa ở mức 3.903,2 điểm.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chỉ số Kopsi của thị trường chứng khoán Seoul giảm 103,11 điểm (5,73%) xuống 1.697,44 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010.

Dẫn đầu đà đi xuống trong phiên này là cổ phiếu của các ngân hàng, hãng chế tạo ô tô và nhà sản xuất thép. Trong đó, cổ phiếu của KB Financial Group, Hyundai Motor và POSCO giảm lần lượt 7,24%, 4,83% và 6,22%.

Oh Hyun-Suk, nhà phân tích cấp cao thuộc công ty Samsung Securities nhận định hoạt động bán tháo trên thị trường đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thế giới rơi trở lại suy thoái.

Thêm vào đó, tâm lý của các nhà đầu tư còn chịu tác động tiêu cực bởi những thông tin bi quan về tình hình kinh tế tại khu vực đồng euro và Trung Quốc.

Mới đây, cơ quan Moody's Investors Service đã hạ hai bậc xếp hạng tín dụng của các ngân hàng chủ chốt của Hy Lạp, đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của "xứ sở các vị thần" đang ngày càng xấu đi. Trong khi đó, theo thống kê, trong tháng 9/2011, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp tháng thứ 3 liên tiếp.
&
Trước đó, phiên 22/9, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trước sức ép bán ra của giới giao dịch, sau khi FED cảnh báo về một tương lai "mờ mịt" đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 391,01 điểm (3,51%) xuống 10.733,83 điểm; còn chỉ số S&P 500 giảm 37,20 điểm (3,19%) xuống 1.129,56 điểm.

Dẫn đầu đà đi xuống trong phiên 22/9 là cổ phiếu của các công ty công nghiệp. Trong đó, cổ phiếu của United Technologies, Fedex, Caterpillar giảm lần lượt 8,8%, 8,2% và 6,9%.

Frederic Dickson, chiến lược gia thuộc công ty DA Davidson & Co. nhận định cảnh báo của FED đang khiến nhiều người lo ngại kinh tế Mỹ sẽ khó trở lại tăng trưởng trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường còn bị đè nặng bởi thông tin không mấy khả quan về kinh tế Trung Quốc và khu vực đồng euro (Eurozone).

Theo báo cáo của ngân hàng HSBC, trong tháng 9/2011 hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã ghi dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Trong cùng tháng, hoạt động kinh tế tại Eurozone cũng bị đi xuống lần đầu tiên trong hơn hai năm.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cho rằng kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế tài chính thuộc Bank of Tokyo-Mitsubishi cho rằng xu thế bán tài sản ồ ạt trên các thị trường có thể chỉ là một sự phản ứng thái quá vì trên thực tế kinh tế toàn cầu vẫn chưa rơi vào suy thoái, thậm chí cũng chưa đứng bên bờ vực suy thoái./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục