Triển vọng việc làm trên thế giới vẫn ảm đạm

Triển vọng việc làm trên thế giới vẫn ảm đạm và có xu hướng xấu hơn bất chấp dấu hiệu phục hồi ngày càng ổn định của kinh tế toàn cầu.
Triển vọng việc làm trên thế giới vẫn ảm đạm và có xu hướng xấu hơn ở nhiều nước bất chấp những dấu hiệu phục hồi ngày càng ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo nhan đề "Thế giới việc làm năm 2010, từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác" được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc công bố ngày 30/9 cảnh báo thị trường lao động thế giới tiếp tục suy giảm cho đến năm 2015.

Mặc dù nền kinh tế các nước đều phục hồi, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và Mỹ Latin, hơn 8 triệu việc làm mới vẫn cần được tạo ra ở các nền kinh tế mới nổi để trở lại hiện trạng lao động trước khủng hoảng.

Ở các nước phát triển, nếu không có đột phá về chính sách, quá trình phục hồi của thị trường việc làm trở lại trước khủng hoảng sẽ chậm lại ít nhất hai năm so với dự báo một năm trước đây.

Báo cáo nhấn mạnh thị trường lao động càng suy thoái kéo dài, người lao động ngày càng khó tìm việc làm mới. Ở 35 nước được ILO khảo sát, gần 40% số người lao động tìm việc làm mới vẫn không tìm được việc làm suốt hơn một năm qua, làm tăng nguy cơ suy thoái về đạo đức và các vấn đề về bệnh tâm thần. Đặc biệt, thanh niên bị tác động tồi tệ nhất của nạn thất nghiệp.

Các nước tăng trưởng tích cực về việc làm vào cuối năm 2009, nay thị trường lao động cũng trở lại suy thoái.

Hơn 4 triệu người đã ngừng tìm việc làm vào cuối năm 2009 do không còn hy vọng tìm được việc. Trong năm 2009, tại hơn 3/4 trong số 83 nước cung cấp số liệu cho ILO, nhận thức của người dân về chất lượng cuộc sống và tiêu chuẩn sống đã suy giảm so với năm 2006. Ngay cả những người có việc làm, sự hài lòng về việc làm cũng suy giảm nghiêm trọng với cảm giác về bất công tăng lên ở 43 trong số 83 nước được khảo sát.

Ông Raymond Torres, tác giả bản báo cáo, cho biết hai nguyên nhân khiến thị trường việc làm thế giới ngày càng suy thoái. Một là nhiều nước rút bỏ các biện pháp kích cầu tài chính quá sớm trong khi phục hồi kinh tế vẫn còn quá mong manh và hai là những nguyên nhân căn bản dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa được loại trừ.

Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia kêu gọi các chính phủ cân bằng giữa nhu cầu của thị trường tài chính và nhu cầu của công dân. Không chỉ nền kinh tế mà cả sự cố kết xã hội cũng bị lâm nguy nếu ổn định tài chính không song hành với ổn định xã hội.

Kết quả khảo sát của ILO ở 150 nước cho thấy những bất ổn xã hội đã nổ ra ở ít nhất 25 nước, trong đó có nhiều nước phát triển, do khủng hoảng kinh tế tài chính và khủng hoảng việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục