Châu Á thảo luận những bài học từ khủng hoảng

Diễn đàn khu vực châu Á nhằm thảo luận những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu sẽ diễn ra vào 14-15/1.
Các quan chức cấp cao châu Á sẽ tham dự diễn đàn khu vực do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức vào tuần tới nhằm thảo luận những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu.

Diễn đàn cũng sẽ thảo luận  những điều chỉnh chính sách cần thiết nhằm giúp giảm bớt những nguy cơ trong tương lai.

Thông báo của ADB ngày 7/1 cho biết tham dự Diễn đàn về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu tại trụ sở ADB ở Manila, Philippines trong hai ngày 14-15/1 sẽ có hơn 80 đại biểu.

Trong số này, có các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương, lãnh đạo của các viện nghiên cứu và khu vực tư nhân cũng như các chuyên gia phát triển của gần 20 nước.

Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ khảo sát những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu cũng như tác động của nó ở châu Á, trong khi các quan chức cao cấp trình bày những hành động được áp dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Theo ADB, hầu hết các nước châu Á không bị tác động bởi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn vốn ảnh hưởng đến các thể chế tài chính của Mỹ và châu Âu, nhưng sự sụt giảm nghiêm trọng trong thương mại sau đó với phương Tây đã gây ra sự giảm sút lớn trong tăng trưởng của khu vực.

Do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm nổi bật sự phụ thuộc nặng nề của hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ thảo luận về việc châu Á nên điều chỉnh trọng tâm kinh tế như thế nào, kể cả khả năng thúc đẩy thương mại trong khu vực và các thị trường nội địa.

Ngoài ra, các biện pháp nhằm thúc đẩy sự hợp tác và hội nhập khu vực dự kiến cũng sẽ được đề cập tại Diễn đàn.

Theo Giám đốc điều hành ADB Rajat Nag, những thay đổi to lớn trong nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng mang lại những cơ hội cũng như những thách thức mới đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách châu Á suy nghĩ lại hoặc ít nhiều điều chỉnh những chiến lược phát triển kinh tế đã theo đuổi trước đây./.

Ngọc Quang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục