Cố Tổng Bí thư Trường Chinh - nhà văn hóa lớn

Các tham luận tọa đàm ngày 7/2 nhấn mạnh Trường Chinh là nhà văn hóa lớn, đã sớm đặt cơ sở lý luận cho nền văn hóa mới Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh ông Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (09/02/1907 - 09/02/2012), ngày 7/2, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Trường Chinh - nhà văn hóa lớn.”

Báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm nêu rõ ông Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, có truyền thống khoa bảng, tại làng Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Sớm kế thừa truyền thống văn hóa, yêu nước của dân tộc, quê hương, gia đình, ông sớm tham gia phong trào cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của ông Trường Chinh gắn liền với những chặng đường đấu tranh vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, đặc biệt là ở những thời điểm mang tính bước ngoặt, những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam. Ở ông, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ hòa quyện với nhau, sự nghiệp chính trị cách mạng thống nhất với sự nghiệp nhân văn, văn hóa .

Các nhà khoa học tập trung làm rõ thêm một số nội dung chủ yếu: Trường Chinh - nhà lý luận xuất sắc về văn hóa cách mạng; Trường Chinh - nhà báo cách mạng sắc sảo; Trường Chinh - nhà thơ cách mạng giàu xúc cảm; Trường Chinh - một nhân cách văn hóa lớn.

Các tham luận tại buổi tọa đàm nhấn mạnh điểm nổi bật ở Trường Chinh là ông sớm nhận thức rõ vai trò hết sức quan trọng của văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, trong công tác vận động cách mạng nói riêng. Từ đó, ông đã dành một số tác phẩm tập trung đề cập về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, nội dung, tính chất và các nguyên tắc xây dựng nền văn hóa mới - văn hóa cách mạng.

Quan điểm của Trường Chinh về vai trò, vị trí của nền văn hóa mới đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc và thống nhất với quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội do Đảng ta đề ra thời kỳ đổi mới. Ông là nhà văn hóa đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng.

Trường Chinh sớm ý thức rõ vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng và sớm đến với nghề báo. Với văn phong chính luận cách mạng mẫu mực, có tính chiến đấu cao và sức truyền cảm lớn, Trường Chinh là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam.

Sự nghiệp báo chí của ông gắn liền với sự ra đời và phát triển của nhiều tờ báo cách mạng có uy tín lớn như Tin tức, Cờ Giải phóng, Sự thật (Nhân dân), Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản)...

Trường Chinh còn là nhà báo bậc thầy luôn luôn quan tâm đào tạo, dìu dắt các thế hệ làm báo lớp sau. Những quan điểm của đồng chí về vai trò, vị trí của báo chí cách mạng, nguyên tắc làm báo, cách viết báo, phẩm chất của người làm báo... đến nay vẫn mang giá trị sâu sắc.

Trường Chinh là người yêu thích thơ và đã xác lập được một vị trí xứng đáng trên thi đàn Việt Nam với bút danh Sóng Hồng. Tính cách mạng của thơ Sóng Hồng được thể hiện rõ nét trên hai phương diện là các bài thơ gắn liền với thực tiễn cuộc sống, tham gia giải quyết những vấn đề thiết thân của cuộc sống và là vũ khí sắc bén để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Thơ của Sóng Hồng giàu xúc cảm và đậm chất nhân văn, trữ tình, luôn luôn hàm chứa một tinh thần lạc quan, một niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng và thể hiện khí phách của một người cán bộ cách mạng nhiệt huyết, kiên trung.

Ông Trường Chinh sớm kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình, tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trở thành một nhân cách văn hóa lớn.

Trường Chinh là người có trí tuệ sắc sảo, ham hiểu biết, có sức đọc lớn, có vốn tri thức phong phú, đặc biệt là về lịch sử, văn hóa dân tộc. Ông có phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ, có phong cách lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông nêu một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, thẳng thắn tự phê bình, nêu cao tinh thần đoàn kết, có lối sống trong sạch, giản dị, chân tình.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm thêm một lần nữa khẳng định Trường Chinh là “người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhà văn hóa và nhà báo lớn”, “học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến,” “được nhân dân ta và bè bạn trên thế giới tin yêu, kính trọng.”

Kỷ niệm 105 năm ngày sinh ông Trường Chinh, buổi tọa đàm là dịp để mọi người cùng tưởng nhớ về một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà văn hóa lớn. Tên tuổi, sự nghiệp của ông Trường Chinh mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc và sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam./.

Hương Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục