Tăng vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV

Hội thảo khu vực châu Á-Thái Bình Dương về "Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng, chống HIV/AIDS đã diễn ra ngày 10/12.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khai mạc Hội thảo khu vực châu Á-Thái Bình Dương về "Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng, chống HIV/AIDS".

Đây là dịp để các nghị sĩ khu vực trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, giám sát liên quan tới phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đề cập đến những con số đáng ngại như 60 triệu người trên thế giới nhiễm HIV/AIDS, 25 triệu người đã chết trong vòng gần 30 qua và những thách thức đối với an ninh và sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới do đại dịch này gây ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam nhận thức sâu sắc về đại dịch nguy hiểm HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với tính mạng và tương lai nòi giống dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Việt Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp ngăn chặn đại dịch này và ủng hộ Chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm HIV/AIDS hoặc có đủ khả năng tự đối phó với những thách thức và hậu quả nặng nề của HIV/AIDS.

Vì vậy, thông tin của các chuyên gia và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các Nghị sỹ được chia sẻ tại Hội thảo sẽ góp phần giúp mọi người nhận thức sâu sắc hơn về đại dịch; tăng cường vai trò và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nghị viện và Nghị sỹ các nước trong khu vực trong công tác xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

Trong hai ngày (10-11/12) các đại biểu dự hội thảo sẽ thảo luận về các vấn đề xu hướng và các dự đoán tương lai của HIV/AIDS tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; chính sách pháp luật đối với những nhóm người dễ bị nhiễm HIV/AIDS nhất; những khó khăn, thách thức mà các nhà làm luật đang phải đối mặt; những vấn đề pháp luật liên quan đến giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục