Cầu thủ ngoại: Hàng chợ và hàng chất lượng cao

V-League đang tìm cách hạn chế ngoại binh, nhưng lại không tính đến giải pháp để biến V-League thành điểm đến của các cầu thủ đẳng cấp.
V-League đang tìm cách hạn chế cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch, nhưng lại không tính toán tới những giải pháp để biến V-League trở thành điểm đến của các cầu thủ đẳng cấp.

Denilson rời V-League chỉ sau một tháng tới đây. Dù với lý do anh ta cũng chỉ là một “bệnh binh” đến tuổi về hưu thì V-League cũng “mất” một ngôi sao tầm cỡ thế giới.

Lee Nguyễn, cầu thủ cũng được gắn với thương hiệu quốc tế (đội tuyển Mỹ, U20 Mỹ, PSV Eidhoven), dù nay đã khá mất giá nhưng cũng đã quyết định rời bỏ Hoàng Anh Gia Lai.

Có thể Lee Nguyễn sẽ đầu quân cho một câu lạc bộ Việt Nam khác trong tương lai, nhưng cho tới ngày ấy V-League coi như mất nốt cầu thủ đẳng cấp quốc tế cuối cùng.

Cầu thủ ngoại chơi bóng ở Việt Nam từ trước tới nay vốn là các tuyển thủ quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. 70 cầu thủ ở V-League, 42 cầu thủ ở giải hạng Nhất mùa bóng 2009, không có cầu thủ nào mang mác tuyển thủ, ngoại trừ Thonglao (Thái Lan) ở Hoàng Anh Gia Lai.

Nhìn lại cả một chặng đường dài, những cầu thủ từng thuộc tuyển thủ quốc gia thực ra cũng là từ các nền bóng đá chưa phát triển. Như trường hợp của trung vệ Sama ở Hà Nội ACB trước kia (tuyển thủ Sierra Leon) và nay đã kết thúc hợp đồng hoặc Ronald Martin tự giới thiệu từng là tuyển thủ của Uganda.

Tiền đạo Felix của Khánh Hòa từng đại diện cho Ghana tại Giải Vô địch châu Phi và cả Olympic. Tiền đạo Teslim Fatusi từng khoác áo U23 Nigeria ở Olympic Atlanta 1996. Nhưng họ là số ít và sự thực là họ cũng chỉ tới V-League và hạng Nhất khi đã về hưu (Felix sinh năm 1975) hoặc không thể hồi phục phong độ đỉnh cao sau chấn thương (Fatusi đứt dây chằng gối).

Cũng có những cầu thủ không phải là tuyển thủ nhưng trình độ của họ vẫn vượt trội so với các cầu thủ được nhắc tới ở trên, như Leandro, Da Silva, Philani, Kesley… nhưng họ là số ít trong tổng số hơn 100 cầu thủ ngoại đang hành nghề và kiếm tiền ở Việt Nam.

Số lượng các cầu thủ đủ điều kiện nhập quốc tịch sẽ tăng lên qua từng năm, bởi hầu hết những cầu thủ thuộc dạng này đều “bám rễ” ở Việt Nam vì họ không đủ khả năng để đi tới một nền bóng đá khác có trình độ cao hơn, cũng khó tìm ra một giải đấu nào dễ chơi và lại dễ kiếm tiền như ở V-League.

V-League chưa đủ tầm (nhất là thương hiệu) để tự đặt ra quyền chỉ tiếp nhận những cầu thủ là thành viên của các đội tuyển quốc gia, hoặc đã chơi ở những nền bóng đá phát triển trước khi chuyển tới V-League.

Thế cho nên sự giã từ, thậm chí là sự trốn chạy của các ngôi sao khỏi V-League có thể coi là một tín hiệu thiếu tích cực khi mà chúng ta vẫn đang cho rằng giải đấu này phát triển mạnh mẽ qua từng năm.

Việc nhập quốc tịch ồ ạt, việc điều chỉnh số lượng cầu thủ ngoại không giải quyết được vấn đề này bởi cần có nhiều hơn các nỗ lực trên mọi khía cạnh.

Mới đây, Jore Mendes đã tới Hà Nội. Jorge Mendes là một siêu cò, là người đại diện cho những cầu thủ và huấn luyện viên nằm trong tốp 10 thế giới (Cristiano Ronaldo, huấn luyện viên Mourinho…).

Nhưng có thể, sự hiện diện này cũng chỉ mang lại cơ hội để các siêu sao tới thăm Việt Nam, và các câu lạc bộ nổi tiếng tới Việt Nam du đấu, chứ sự chênh lệch quá lớn về trình độ và thương hiệu là sự cản trở khó vượt để các ngôi sao lớn tới V-League thi đấu.

Khi chúng ta đang loay hoay tìm cách hạn chế số lượng cầu thủ ngoại và cả cầu thủ ngoại nhập quốc tịch thì vấn đề cũng rất đáng kể là làm sao thu hút những ngôi sao đẳng cấp và có thương hiệu quốc tế đến Việt Nam lại bị vứt xó.

Mà đây lại chính là mấu chốt của một V-League đang ở thời điểm cần nâng cấp thương hiệu, chất lượng, khi đã xác định chỉ 2 mùa bóng nữa sẽ phải là một giải đấu chuyên nghiệp thực sự./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục