EU dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận dầu mỏ với Syria

Ngày 22/4, Liên minh châu Âu quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận dầu mỏ chống Syria nhằm hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại nước này.
Ngày 22/4, Liên minh châu Âu (EU) quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận dầu mỏ chống lại Syria nhằm hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại nước này.

Theo báo Tribune de Geneve, tại hội nghị ngoại trưởng EU diễn ra tại Luxembourg, Bộ trưởng ngoại giao các nước EU thể hiện sự hỗ trợ quan trọng đối với phe đối lập tại Syria bằng việc đồng ý dỡ bỏ một phần cấm vận dầu mỏ chống lại nước này, đã được áp dụng từ năm 2011.

Cụ thể, EU đã cho phép nhập khẩu dầu mỏ tại các mỏ dầu thuộc khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát, chủ yếu ở phía Đông Syria, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất đất nước.

Ngoại trưởng các nước EU cho rằng cần phải "vi phạm lệnh cấm vận" để giúp đỡ người dân Syria, đặc biệt là đáp ứng các nhu cầu nhân đạo đồng thời nhằm tái thiết các hoạt động kinh tế xã hội tại đây.

Một quan chức cấp cao EU giải thích rằng họ phải trả lời những chỉ trích của phe đối lập và người dân Syria, những người bị ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế hơn là chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nhấn mạnh :"Chúng tôi muốn giúp tái thiết nền kinh tế tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát nhằm chứng tỏ cho người dân Syria thấy rằng tồn tại một giải pháp thực sự có thể thay thế chế độ Bachar al-Assad."

EU cũng sẽ dỡ bỏ những lệnh cấm bán các trang thiết bị phục vụ ngành dầu mỏ cũng như đầu tư vào lĩnh vực này nhưng với điều kiện chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.

[EU ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Syria]

Các công ty có nhu cầu nhập khẩu dầu thô từ phe đối lập hoặc đầu tư vào lĩnh vực này sẽ phải được sự cho phép của chính phủ nước họ và chính phủ này phải đạt được sự đảm bảo của Liên minh đối lập tại Syria.

Thực tế, các nước EU vẫn lo ngại về việc các phe phái khác nhau trong lực lượng nổi dậy kiểm soát các khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất đất nước.

Theo tổ chức Quan sát nhân quyền Syria, lực lượng kiểm soát đa số khu vực Deir Ezzor (phía Đông) và Hassaka (Đông Bắc), lại chủ yếu là nhóm Hồi giáo Djihad Front Al-Nosra, chịu sự chi phối của al-Qaeda.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy vào tháng 3/2011, sản lượng dầu thô khai thác được tại Syria đã giảm 2/3 so với trước kia, xuống còn 130.000 thùng/ngày trong tháng Ba vừa qua, tương đương 0,1% tổng sản lượng dầu thô trên toàn thế giới.

Hôm 20/4, Mỹ đã quyết định tăng gấp đôi viện trợ dành cho phe đối lập Syria.

Với quyết định đưa ra hôm 22/4, EU đang thực hiện đúng theo hướng đi thận trọng của Mỹ. Thực tế, cả EU và Mỹ đều chưa muốn cung cấp vũ khí hạng nặng cho phe đối lập tại Syria nhằm giúp lực lượng này có thể chống lại các cuộc không kích của quân chính phủ./.

Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục