Cái Tết ấm lòng người dân nơi vùng lũ Nghệ An

Những cái áo ấm, những chiếc chăn bông, vài ba cân gạo, cùng không khí lao động sản xuất sôi nổi, tất thảy đủ làm ấm lòng người vùng lũ.
Không khí đón Tết đang ngập tràn cùng với nhịp sống đã trở lại bình thường nơi vùng lũ lịch sử đi qua ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn (Nghệ An).

Cơn lũ lịch sử đi qua không còn để lại nhiều dấu vết, trừ những vách tường trên những ngôi nhà thấp lợp ngói vẫn còn in dấu bùn vượt quá đầu người.

Đất đã được vỡ ra trên những thửa ruộng vừa được dọn sạch xác cây cối, động vật chết trôi để gieo trồng nên những vạt rau xanh ngút mắt trải dài.

“Khi nước ở trong vườn và ngoài đồng chưa rút hẳn, gia đình vẫn tiến hành sản xuất để giảm chi phí mua sắm và tăng thêm dinh dưỡng bữa ăn. Sau hơn hai tháng gieo trồng, chăm sóc, gia đình tôi vừa có rau sạch để ăn vừa cung cấp cho thị trường,” anh Nguyễn Minh Tuệ ở xóm 5 xã Hưng Châu (Hưng Nguyên) nói.

Các xã Nam Cường, Nam Trung, Khánh Sơn của huyện Nam Đàn lại có “đặc sản” là cây ớt xuất khẩu, đây cũng là ba địa phương xuất khẩu ớt chủ lực của tỉnh Nghệ An.

Đợt lũ vừa qua, toàn bộ 60ha cây ớt cay của nông dân trên địa bàn ba xã đã bị “xoá sổ.” Huyện Nam Đàn đã có chính sách hỗ trợ 60%, doanh nghiệp hỗ trợ 40% theo định mức sản xuất 2,5ha/1kg giống (nghiệm thu trên cơ sở diện tích thực trồng) cho nông dân.

Với 24kg hạt giống ớt xuất khẩu được cấp, hiện nay bà con đang tiến hành thu hoạch lứa đầu vào dịp Tết Nguyên đán, đồng thời tổ chức gieo ươm ớt giống địa phương để sản xuất vụ Xuân.

Trong đợt lũ lụt vừa qua, ao cá chuyên canh của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở xóm 9 xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên đã bị mất trắng, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Với quyết tâm vượt qua khó khăn, gia đình chị Thúy đã tiến hành tát cạn, hút nước bùn, rắc vôi, tu bổ lại cống, bờ ao rồi mới thả cá lại.

Tương tự, hàng chục ao cá chuyên canh, nuôi cá vụ 3 ở xã Hưng Đạo đã khắc phục cơ sở hạ tầng trang thiết bị hư hỏng, bị cuốn trôi trong lũ để duy trì sản xuất, ươm nuôi giống cho năm 2011. Những chiếc chuồng lợn trống hơ trống hoác sau lũ nay cũng được các gia đình vay vốn mua đàn lợn giống về thả lại trong chuồng.

Với phương châm “nước rút đến đâu thì gieo trồng đến đó,” nông dân vùng lũ đã nhanh chóng bắt tay vào việc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ và tổ chức sản xuất vụ Xuân 2011. Các huyện đã kêu gọi, động viên mọi người dân tham gia thực hiện chiến dịch toàn dân ra quân làm thủy lợi để khơi thông các kênh mương, cống, đắp bờ giữ nước đảm bảo cho sản xuất.

Với những diện tích cơ cấu sản xuất lạc Xuân, bà con tiến hành sản xuất khoai tây, rau các loại, ngô nếp và ngô địa phương ngắn ngày. Nông dân vùng bị ngập lụt, ngoài được hỗ trợ 100% tiền mua giống ngô, rau, lúa, lạc, phân bón, huyện Nam Đàn còn có chính sách hỗ trợ 10.000 đồng/kg với định mức 50kg/sào đối với những hộ trồng khoai tây.

Khắc phục tình trạng thiếu thức ăn dự trữ cho trâu bò, nông dân đã mở rộng trồng khoai lang, trồng ngô dày trên đất hai lúa bị ngập chết để giải quyết thức ăn cho gia súc.

Sản xuất nông nghiệp dần ổn định, đời sống bà con vùng lũ cũng bớt khó khăn hơn. Ngay sau khi lũ lụt xảy ra, Ban cứu trợ tỉnh Nghệ An đã chuyển hơn 29,1 tỷ đồng sang tài khoản của Ban cứu trợ các huyện, thành, thị để hỗ trợ cho các gia đình có người bị chết, bị thương nặng, nhà chính bị sập hoàn toàn, nhà bị hư hỏng nặng, nhà bị ngập nước từ 1,5m trở lên.

Để phân bổ đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, dân chủ, hiện nay Ban cứu trợ các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn đang tổ chức thành lập đoàn đi thẩm định, kiểm tra lại, rà soát từng đối tượng, các huyện cũng cam kết chuyển tới các đối tượng trước Tết Nguyên đán.

Không còn canh cánh nỗi lo thiếu đói, thiếu mặc trong dịp Tết, những ngày này, các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên vẫn đang tiếp nhận những chuyến hàng cứu trợ từ khắp nơi trên cả nước chuyển về cho đồng bào vùng lũ. Những cái áo ấm, những chiếc chăn bông, vài ba cân gạo…tất thảy cũng đủ làm ấm lòng người dân vùng lũ./.

Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục