Gần 2.000 tỷ đồng ứng phó với biến đổi khí hậu

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu có kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, trong đó 50% là hỗ trợ từ tổ chức nước ngoài.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu có tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, trong đó 50% từ Trung ương, địa phương và các tổ chức tư nhân trong nước, 50% còn lại là hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu" do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Nhóm hỗ trợ quốc tế về tài nguyên và môi trường tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc theo 3 giai đoạn: giai đoạn khởi động từ 2009-2010, giai đoạn từ 2010-2015 là giai đoạn triển khai, sau năm 2015 là giai đoạn phát triển.

Năm 2010, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các bộ, ngành, địa phương; thực hiện việc tích hợp, lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2010 -2020) và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015); khởi động một số dự án thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu ở một số lĩnh vực...

Theo các nhà khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia đã và sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cộng đồng vùng ven biển, nơi trực tiếp sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển.

Cũng theo tính toán của các nhà khoa học, nếu nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%./.

Đỗ Huyền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục