Giáo hoàng thay thế Benedict sẽ là một người Italy?

Sau một người Ba Lan và một người Đức, liệu Giáo hội Công giáo La Mã sẽ lại quay về với một nhà lãnh đạo Vatican là người Italy?
Sau một người Ba Lan và một người Đức, liệu Giáo hội Công giáo La Mã sẽ lại quay về với một nhà lãnh đạo người Italy? Italy là nước có nhiều đại diện nhất trong cuộc bầu cử giáo hoàng sắp tới, với 28 trong số 117 hồng y được bỏ phiếu. Nhưng chỉ có một người Italy, tổng giám mục Milan Angelo Scola, được coi là ứng viên đủ mạnh để thay thế giáo hoàng đương nhiệm Benedict XVI. Nhiều hồng y phản đối ý tưởng nối lại hàng dài những người Italy đã làm giáo hoàng trước hai giáo hoàng nước ngoài trước đó, John Paul II người Ba Lan và Benedict người Đức. Giáo hoàng gần nhất trước John Paul II không xuất thân từ bán đảo Italy là Adrian VI, từ địa phận giám mục Utrecht (nay là Hà Lan), qua đời năm 1523. Vụ bê bối Vatileaks đã làm vấy bẩn danh tiếng của người Italy ở Curia, hay chính quyền Vatican, tiết lộ những tranh chấp quyền lực trong tòa thánh. Mặt khác, vụ bê bối cũng cho thấy yêu cầu cải cách cấp bách, đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo mới có thể là một người từ trong nội bộ hiểu rõ những vấn đề của tòa thánh. Mặc dù Scola hiện không phải là người của tòa thánh, việc ông chuyển từ giáo phận Venice sang Milan, giáo phận lớn nhất ở châu Âu và là nơi đã sản sinh ra một vài giáo hoàng, có thể được coi một ứng viên nặng ký. Thậm chí cả trước tuyên bố từ chức gây sốc của giáo hoàng ngày 11/2, Scola đã được đề cập như một ứng viên hàng đầu thay thế Benedict. Đầy học thức và bảo thủ về mặt luân lý, Scola, 71 tuổi và con trai của một tài xế xe tải, có quan điểm thần học khá giống Benedict và từ thời trẻ đã gắn bó với phong trào bảo thủ Cộng động và tự do rất có ảnh hưởng ở Italy. Ông cũng là người đi đầu trong một số cuộc đấu tranh chính của Benedict, như chiến đấu chống lại chủ nghĩa thế tục ở châu Âu. Ông chỉ trích nước Pháp hồi tháng 12 khi quốc hội nước này thảo luận về dự luật cho phép kết hôn đồng giới, vốn bị giáo hội phản đối mạnh mẽ. Trong một động thái khác chống lại chủ nghĩa bài Hồi giáo, Scola đã thành lập Oasis, một tạp chí được tôn trọng trình bày các quan điểm Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, mặt khác, Scola có tiếng không tốt là khô khan và khó tiếp cận, cô độc và bảo thủ hơn so với những người tiền nhiệm của ông ở Milan. Hai ứng viên người Italy khác: Gianfranco Ravasi, bộ trưởng văn hóa của tòa thánh, và Mauro Piacenza, người đứng đầu Giáo đoàn các giáo sĩ đầy quyền lực.

Giáo hoàng đương nhiệm Benedict XVI là một người Đức (Nguồn; AFP)
Ravasi, thân thiện với báo chí, nhiều ý tưởng và sáng kiến, cởi mở và dễ gần, từng có nhiều cuộc trao đổi trên Twitter cùng Benedict với những học giả không có đức tin. Bảo thủ trong một số vấn đề và cởi mở trong một số vấn đề khác, Ravasi từng được chọn chủ trì thánh lễ nhân dịp lễ Tro cuối cùng của Benedict năm nay. Nhưng mặt khác, Ravasi bị coi là quá học thức và không đủ chân thành. Piacenza, 68 tuổi, là một ứng viên người Italy khác. Ông sống động, rất bảo thủ, nổi tiếng là người chăm chỉ ở Curia, nhưng thường được coi là người sẽ thay thế cho nhân vật thứ hai ở Vatican, Tarcisio Bertone, hơn là trở thành giáo hoàng./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục