Thái Lan đứng trước nguy cơ bạo lực leo thang

Dư luận lo ngại nguy cơ bạo lực leo thang nghiêm trọng tại Thái Lan sau hàng loạt vụ nổ lựu đạn ở khu vực Silom, thủ đô Bangkok.
Dư luận lo ngại nguy cơ bạo lực leo thang nghiêm trọng tại Thái Lan sau hàng loạt vụ nổ lựu đạn ở khu vực trung tâm tài chính Silom của thủ đô Bangkok tối 22/4.

Cơ quan cấp cứu y tế ở Bangkok ngày 23/4 thông báo có một trường hợp thiệt mạng trong các vụ nổ trên là một phụ nữ người Thái 26 tuổi và 85 người bị thương, trong đó có một người Mỹ, một người Australia và một người Indonesia.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan cho biết có ít nhất ba người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương.

Phát biểu trên truyền hình lúc 23 giờ 30 phút đêm 22/4, Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban, người đứng đầu Trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp (CRES), cho biết những quả lựu đạn M-79 được sử dụng trong hàng loạt vụ tấn công trên đều được bắn từ khu vực tập trung người biểu tình "áo đỏ" ở khu Silom, cụ thể từ khu vực phía sau tượng Vua Rama VI.

Phó Thủ tướng Suthep khuyến cáo cư dân ở khu vực này tránh xa đại lộ Silom để bảo đảm an toàn.

Ngay sau tuyên bố của Phó Thủ tướng Suthep, phe "áo đỏ" do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu đã phủ nhận đứng đằng sau các vụ tấn công trên.

Thủ lĩnh "áo đỏ" Jatuporn Prompan cho rằng "ai đó đã tiến hành các vụ tấn công trên và hướng dư luận đến những người áo đỏ." Ông khẳng định UDD "không bao giờ tấn công người dân vô tội."

Cảnh sát đã bắt giữ sáu nghi can tại đại lộ Silom và đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Mặc dù căng thẳng chính trị và bạo lực leo thang ở Bangkok, Tòa án Dân sự Thái Lan tối 22/4 đã ra lệnh cấm sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình "áo đỏ" tại khu thương mại Ratchaprasong.

Tuy nhiên, tòa án này cũng lưu ý rằng nếu cuộc biểu tình ảnh hưởng tới cộng đồng thì Chính phủ Thái Lan có thể áp dụng các biện pháp được chấp nhận trên bình diện quốc tế để đối phó.

Liên hợp quốc và lãnh đạo các nước ngay lập tức thúc giục tất cả các bên ở Thái Lan kiềm chế sau vụ bạo lực mới nhất xảy ra ở trung tâm thủ đô Bangkok.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang hiện nay ở Thái Lan.

Ông kêu gọi Chính phủ Thái Lan và những người biểu tình tránh gây bạo lực và cùng giải quyết tình hình một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bukova cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tại Bangkok, kêu gọi nhà chức trách Thái Lan đảm bảo an toàn cho các nhà báo nước ngoài sau vụ một phóng viên Nhật Bản bị bắn chết hôm 10/4.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley đã lên tiếng chỉ trích các vụ tấn công gây đổ máu trên đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Ông Crowley đề nghị Chính phủ Thái Lan và phe "áo đỏ" giải quyết bất đồng theo hướng tăng cường dân chủ và tuân thủ qui định của luật pháp.

Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon cũng lên án tình hình bạo lực tại Bangkok sau hàng loạt vụ tấn công lựu đạn và kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á này.

Các nước Anh, Pháp và Áo khuyến cáo công dân các nước này đang ở Thái Lan tránh xa các đám biểu tình ở Bangkok để bảo đảm an toàn.

Lo ngại bạo lực gia tăng, Mỹ khuyến cáo công dân không đến Bangkok, trong khi nhà chức trách Australia cũng kêu gọi người dân xứ sở chuột túi cân nhắc lại các chuyến du lịch đến Thái Lan sau khi một công dân nước này bị thương trong các vụ tấn công ở Bangkok.

Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết sẽ chuyển Đại Sứ quán nước này ở Bangkok sang một địa điểm an toàn do lo ngại về an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục