Cần kết thúc nhanh quá trình phi thực dân hóa

Tiến trình phi thực dân hóa vẫn trì trệ, nếu không hành động quyết liệt, LHQ không thể đáp ứng khát vọng của dân các lãnh thổ độc lập.
Kể từ năm 1961 đến nay, gần 750 triệu người đã được hưởng quyền tự quyết ở hơn 80 vùng lãnh thổ một thời là thuộc địa nay đã giành độc lập.

Phát biểu trên của Chủ tịch ủy ban, ông R.M. Marty M. Natalegawa tại cuộc thảo luận của Ủy ban chính trị đặc biệt và phi thực dân hoá của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64.

Ông Natalegawa còn cho biết thêm hiện có 16 vùng lãnh thổ vẫn còn là thuộc địa và con số này là quá nhiều khi mà nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI cách đây gần một thập kỷ.

Chủ tịch nhấn mạnh Liên hợp quốc cần đặt tiến trình phi thực dân hóa trong bối cảnh thế giới đang biến đổi để thúc đẩy các bên có liên quan tăng cường các biện pháp tập thể với những hành động cụ thể để kết thúc quá trình phi thực dân hoá 16 thuộc địa trên trước khi kết thúc Thập kỷ quốc tế thứ 2 về phi thực dân hoá vào năm 2010.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các vùng thuộc địa phát triển kể cả khả năng tự quản.

Đại diện các nước tham dự cuộc thảo luận cho rằng tiến trình phi thực dân hóa hiện nay vẫn rất trì trệ và nếu không có những hành động quyết liệt, Liên hợp quốc sẽ không thể đáp ứng được khát vọng hợp pháp của nhân dân các lãnh thổ độc lập muốn quyết định tương lai của họ.

Tuy nhiên, đại diện một số nước cảnh báo cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận đề xuất của các nước đang thực hiện quyền tự quản muốn định nghĩa lại quy chế về quyền này để nhanh chóng loại một số thuộc địa hiện nay khỏi danh sách phi thực dân hóa của Liên hợp quốc.

Phát biểu thay mặt Phong trào Không liên kết (NAM), đại diện Ai Cập nhấn mạnh phi thực dân hóa hay thực hiện quyền tự quyết chính đáng đã và vẫn là ưu tiên cao nhất của NAM và Liên hợp quốc.

Phong trào khẳng định lại sự ủng hộ đối với khát vọng của tất cả các dân tộc còn dưới ách cai trị thực dân thực hiện các quyền tự quyết chính đáng của họ, phù hợp với Hiến chương và các nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục