Sức mạnh ngàn năm khơi tự hào Thăng Long-Hà Nội

Từ tinh mơ không khí náo nức, phấn khởi của du khách, người dân chờ giây phút bước vào nơi in dấu tích ngàn năm Hà Nội đã bao trùm.
Hàng vạn người đã có mặt ở Hoàng thành sáng nay để tận mắt chứng kiến 1.000 hiện vật được khai quật tại khu Trung tâm Hoàng thành.

Sự kiện mở cửa Hoàng thành Thăng Long và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu đón khách vào xem này thực sự đã gây nhiều xúc động cho người dân cũng như du khách. Bởi, lần đầu tiên công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Một không khí náo nức, phấn khởi bao trùm toàn bộ phía ngoài khu Hoàng thành từ sớm tinh mơ. Rất nhiều người đến đây từ 5 giờ sáng để chờ đợi giây phút được bước chân vào nơi in dấu tích của các triều đại, của các vị tiền nhân từ ngàn năm trước.

Sức mạnh ngàn năm khơi niềm tự hào

Không chỉ xúc động trước tấm lòng của những người con phương xa mà người dân Hà Nội những ngày này cũng thấy bồi hồi hơn, tự hào hơn khi cùng nhau sải chân trên những con phố quen thuộc. Dường như ai cũng thấy người người đẹp hơn trong mắt nhau, tình người thêm gắn bó và nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện hơn… Sức mạnh của ngàn năm Thăng Long đã làm nên điều đó.

Và, ngay những người dân ở khu vực ngoại thành cũng đã dành rất nhiều tình cảm tốt đẹp cho những di sản in dấu ấn Thăng Long lịch sử.

Cô Nghiêm Thị Tịnh ở huyện Thanh Oai, Hà Nội tất tưởi dậy từ 2 giờ sáng chuẩn bị và đến Hoàng thành từ 5 giờ đã không giấu được niềm vui trong ánh mắt, cử chỉ. Người phụ nữ chân chất vốn chỉ quen với công việc nhà nông hôm nay lên Thủ đô hòa mình vào niềm vui chung của đất nước cũng diện bộ áo dài thật mới, buộc tóc thật điệu, cũng má phấn, môi son và cũng xúc động thật nhiều khi đứng ở Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội linh thiêng.

“Tôi là người đến đây sớm nhất, 5 giờ sáng tôi đã có mặt ở trước cửa Hoàng thành rồi. Tôi đi cùng cả đoàn Hội từ thiện Tự tâm, đông lắm. Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi Hoàng thành được thế giới công nhận là di sản.

Trước đây tôi cũng được vào Hoàng thành hai lần rồi nhưng lần này phấn khởi hơn nhiều. Vì hôm nay tất cả thế giới đều hướng về Thăng Long-Hà Nội, đều tụ tập ở nơi đây và chúng tôi còn được tận mắt thấy các cổ vật, di sản trưng bày. Đất nước mình đã trải qua 4.000 năm lịch sử mới có được ngày nay là cũng ơn nhờ các vị tiên sinh, tiên đế. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào về dân tộc mình,” cô Nghiêm Thị Tịnh vui vẻ nói.

Chặng đường hàng ngàn cây số của các Phật tử…

Nhiều đôi chân dẻo dai đã cùng nhau vượt chặng đường gần 2.000 cây số về Thủ đô trong niềm hân hoan khôn tả. Họ mang trong mình niềm tự hào được về với đất Thăng long ngàn năm linh thiêng.

Có lẽ, sự cảm kích phải dành cho những tấm lòng con dân Việt Nam từ ngàn dặm xa xôi về với Thủ đô trong ngày Đại lễ. Họ là những người đã không quản ngại khó, ngại khổ từ tận Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh… ra Hà Nội.

Như trường hợp phật tử có pháp danh Liên Giới năm nay tuổi đã 85 ở Bình Phước, may mắn trời phú cho sức vóc nên vẫn còn khỏe mạnh, đi lại còn nhanh nhẹn nên bà rời quê từ ngày 21/9 để bắt đầu cuộc hành trình về với Thăng Long ngàn năm kịp dự Đại Lễ. Cụ cho biết, sẽ còn ở đến hết ngày 10/10 mới về quê.

Hỏi vì sao tuổi đã cao như vậy rồi mà cụ vẫn ngồi ôtô ra Hà Nội trong ngày này, cụ nói: “Ai sống được 2.000 năm đâu mà, thành ra mình sống được 2.000 năm rồi, phải ra đây để đền ơn  ông bà, tổ tiên chứ.”

Đi cùng đoàn với cụ bà là sư cô Diệu Tâm ở Chùa Giác Quan, Lộc Ninh năm nay cũng đã 72 tuổi nhưng trông còn rất thông tuệ. Sư cô chia sẻ: “Mình là con cháu nước Việt Nam, mà dân tộc mình đã có 32 vị Vua giữ nước, nay mình phải đến để chiêm bái các ngài chứ. Sống ở miền Nam cũng như là Hà Nội vậy đó. Tôi sống 72 năm trên cõi đời này hôm nay mới được vào Hoàng thành cảm thấy rất vui mừng. Có bà đi cùng đoàn tôi khi vào tới đây đã thốt lên rằng ‘hôm nay vào được đến đây ta hết buồn rồi.’

Đoàn của Sư cô Diệu Tâm đi hơn 10 người đã ở Hà Nội được hai ngày. May mắn có người thân ở nội thành nên việc ăn ở của họ sẽ không gặp nhiều khó khăn. Tám ngày còn lại sẽ là quãng thời gian thực sự ý nghĩa cho đoàn Phật tử từ phương Nam tri ân với các bậc tiền nhân.

Cũng đến dự Lễ Khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê lại chia sẻ suy nghĩ ở vị trí một chuyên gia nghiên cứu: “Di tích Hoàng thành Thăng Long có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Khu di sản này là thành tựu có tính chất kết tinh và lắng đọng nhất quá trình lao động và sáng tạo của tổ tiên chúng ta bao thế hệ qua 13 thế kỷ, đặc biệt là 10 thế kỷ Thăng Long-Hà Nội.

Đọc các trang sử trên giấy đã rất ý nghĩa rồi nhưng cùng với trang sử trên giấy đó lại kèm theo di vật, mà những di vật ở đây bản thân nó là một phần trung thực nhất của lịch sử, tôi cảm thấy một sức mạnh sâu sắc hơn gấp bao nhiêu lần. Tôi tin rằng mỗi người dân Việt Nam đều có cảm nhận đó.”./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục