Phát hiện tấm bia đá Champa cổ tại Phú Yên

Các nhà nghiên cứu của tỉnh Phú Yên vừa phát hiện một tấm bia đá Champa cổ bị vùi dưới đất ở bên bờ đầm Cù Mông, huyện Sông Cầu.
Đoàn khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  tỉnh Phú Yên vừa khai quật được một tấm bia đá Champa cổ  ại xóm Mò O thuộc thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu.

Ngày 18/8, Phó Giám đốc Sở Phan Đình Phùng cho biết tấm bia được tạc trên một phiến đá granite có chiều cao 170cm, rộng 60cm và dày 25cm.

Trên mặt bia có 8 dòng chữ Champa cổ hàng ngang.

Bia bị vùi dưới đất ngay gốc cây bồ đề cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nằm trên bờ đầm Cù Mông. Xung quanh khu vực bia đá còn phát hiện được một bờ bao đất hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 30m. Người dân trong vùng gọi đây là Bàu Vuông hoặc Giếng Vuông.

Ông Phùng nói, Bia và Giếng Vuông vừa được phát hiện ở đây chắc chắn gắn với một di tích có giá trị văn hóa, lịch sử của Vương quốc Champa cổ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên đang tiến hành các bước nghiên cứu, xác định niên đại, nội dung của tấm bia; sau đó sẽ tiến hành nghiên cứu quần thể xung quanh khu vực này.

Bia đá vừa được phát hiện là tấm bia ký thứ 2 của người ChămPa cổ được tìm thấy tại Phú Yên. Bia ký đầu tiên được phát hiện là bia Chợ Dinh, tạc trên vách đá núi Nhạn nằm ngay giữa lòng thành phố Tuy Hòa.

Bia Chợ Dinh có niên đại thế kỷ thứ 5, ghi lời cầu nguyện của Vua Bhadravarman đệ Nhất của Vương quốc Champa./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục