Tàu phá băng Hàn Quốc thám hiểm Nam Cực

Araon - tàu phá băng đầu tiên do Hàn Quốc chế tạo, đã bắt đầu hành trình thám hiểm vùng đất Nam Cực kéo dài 40 ngày, từ ngày 12/1.
Araon - tàu phá băng đầu tiên do Hàn Quốc tự chế tạo đã bắt đầu chuyến hành trình thám hiểm Nam Cực nhằm thử nghiệm khả năng phá băng và khảo sát địa điểm xây trạm nghiên cứu Nam Cực thứ hai của Hàn Quốc.

Trên tàu Aron có 85 thủy thủ và nhà nghiên cứu người Hàn Quốc, 5 chuyên gia về phá băng và hàng hải người Nga cùng 4 phi công trực thăng và kỹ sư người Niu Di lân. Trong hành trình kéo dài 40 ngày (từ ngày 12/1), vượt qua chặng đường 11.000km, tàu Araon sẽ dừng lại ở Cape Burks và hướng đến Vịnh Terra Nova ở phía Đông Nam của Nam Cực, trước khi quay trở về Cảng Christchurch.

Tàu Araon nặng 6.950 tấn, dài 110m và rộng 19m, đã được hạ thủy ngày 11/6/2009 sau 3 năm thi công và ra khơi từ Cảng Incheon. Tàu được trang bị thiết bị nghiên cứu hàng hải tiên tiến, có thể phá tảng băng dày tới một mét. Tàu có thể xoay tròn 360 độ tại một địa điểm và chạy 20.000 hải lý trong 70 ngày mà không cần tiếp nhiên liệu.

Tàu cũng có thể khám phá các đặc tính địa chất dưới biển sâu thông qua sóng âm, và tìm vị trí giàu tài nguyên biển. Araon còn được trang bị bộ cảm ứng 3 chiều để phát hiện dòng hải lưu và sự chuyển động của các đàn cá. Các thiết bị nghiên cứu chủ yếu gồm phân tích điều kiện khí quyển, thu thập mẫu sinh vật biển và đất tại khu vực Nam Cực, thiết bị theo dõi biến đổi nhiệt độ nước và độ mặn của nước biển.

"Kỷ nguyên thám hiểm Nam Cực" của Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 1988 khi nước này thành lập Trung tâm nghiên cứu Vua Sejong trên đảo Vua George ở phía Bắc Nam Cực. Nhưng trạm nghiên cứu này nằm ở vĩ độ thấp và nhiệt độ tương đối cao nên các nhà nghiên cứu Hàn Quốc bị hạn chế trong nghiên cứu từ trường mặt đất, hiện tượng đóng băng và cực quang, vốn chỉ quan sát được ở những vùng vĩ độ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục