VN là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN

Trong 17 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề, mục tiêu chung của ASEAN.
Ngày 8/8/1967 đã ghi một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực với sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Sau 45 năm phát triển với không ít thăng trầm, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, một thực thể chính trị-kinh tế năng động, có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Trong 17 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng tham gia rộng rãi vào tất cả các cơ chế hợp tác và có nhiều đóng góp quan trọng với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề và mục tiêu chung của ASEAN.

Nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập ASEAN, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Indonesia đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN.

- Thực tiễn 45 năm qua cho thấy ASEAN là một tổ chức có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến đổi của thời cuộc. Là Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, xin Đại sứ cho biết những thuận lợi, khó khăn và cần phải làm gì để xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, khi mà thời gian cho mục tiêu này đang đến rất gần?

Đại sứ Vũ Đăng Dũng: Nhìn lại lịch sử và quá trình phát triển của ASEAN kể từ khi ra đời vào năm 1967 đến nay, những thành quả đạt được là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng của ASEAN với những biến đổi của thời cuộc, cũng như tạo nên nền tảng vững vàng để ASEAN có những bước phát triển xa hơn.

Trải qua 45 năm với các dấu mốc quan trọng từ năm quốc gia đầu tiên đến ngày nay, Hiệp hội hội tụ gồm đủ 10 quốc gia đang bước vào giai đoạn hợp tác và liên kết mới với những biến chuyển mạnh mẽ về chất, hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Dù có những thăng trầm trong suốt chặng đường phát triển, nhưng có thể thấy khát vọng và mục tiêu cho hòa bình và phát triển luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đoàn kết và hợp tác luôn là xu thế chủ đạo, chất keo kết dính quan hệ giữa các quốc gia trong ASEAN, đưa các nước trong khu vực từng bước vượt qua các rào cản và những khác biệt, cùng chung tay đẩy mạnh hợp tác, tăng cường liên kết dưới một mái nhà chung ASEAN.

Nói một cách ngắn gọn, tầm nhìn ASEAN là phấn đấu trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, vững mạnh về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau vào năm 2015 trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Theo đó, các quốc gia và người dân các nước thành viên được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và hòa hợp, được tạo điều kiện phát triển bền vững và thịnh vượng.

Trong tiến trình này, ASEAN trở thành hạt nhân thu hút và gắn kết sự tham gia của tất cả các cường quốc và trung tâm lớn trên thế giới với vai trò trung tâm, chủ đạo, là một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và phát huy vai trò ở cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.

Để hiện thực hóa tầm nhìn trên vào năm 2015, đương nhiên ASEAN sẽ phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức, nhất là để có thể nắm bắt được những cơ hội cũng như xử lý thành công những thách thức mới đang đặt ra đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á đang có những chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ.

Hơn bao giờ hết, các nước thành viên ASEAN cần thể hiện quyết tâm chính trị và cam kết cao hơn, dành ưu tiên thỏa đáng để triển khai thành công Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2015, làm tiền đề để Hiệp hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Theo đó, ASEAN và từng nước thành viên cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực thi các mục tiêu lớn trong cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, nhất là các mục tiêu then chốt như tăng cường liên kết kinh tế nội khối, nâng cao kết nối ASEAN và giữa ASEAN với khu vực Đông Á, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm phát triển bền vững và đồng đều.

ASEAN cũng cần làm sâu sắc và thực chất hơn nữa quan hệ đối ngoại nhằm tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, tạo dựng các mối quan hệ gắn kết bền vững trên cơ sở cùng có lợi.

Đặc biệt, trong tình hình mới, ASEAN càng cần chú trọng hơn việc tiếp tục củng cố và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển, đồng thời coi trọng việc tăng cường đoàn kết, tính thống nhất trong nội khối, làm cơ sở phát huy tiếng nói chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề của khu vực và quốc tế thuộc lợi ích chung, kể cả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm như Biển Đông, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN, cũng như đóng góp hữu hiệu vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

- Đại sứ cho biết những đóng góp của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN vào thành công chung cũng như các kế hoạch triển khai của phái đoàn trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Tổng Thư ký ASEAN từ đầu năm 2013?

Đại sứ Vũ Đăng Dũng: Kể từ khi Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN được thành lập năm 2009 theo Hiến chương ASEAN và nằm trong Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR), Phái đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy hoạt động của CPR, từng bước phát huy chức năng điều phối hợp tác ASEAN trên các lĩnh vực cũng như góp phần triển khai hiệu quả chính sách và sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN, trong đó có thành công chung của năm Chủ tịch ASEAN 2010.

Trong thời gian tới, Phái đoàn Việt Nam đặt trọng tâm phục vụ đắc lực việc triển khai các nhiệm vụ, ưu tiên của Việt Nam trong ASEAN, tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp vào hoạt động của CPR đẩy nhanh tiến độ thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thông qua tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của ASEAN và nâng cao hiệu quả triển khai; đảm nhiệm tốt thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN thông qua Ủy ban điều phối kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua Nhóm Đặc trách triển khai Sáng kiến Liên kết ASEAN, hợp tác với các đối tác qua các cơ chế đối thoại tại Jakarta, Indonesia.

Một nhiệm vụ thường xuyên quan trọng khác là Phái đoàn Việt Nam tiếp tục đóng vai trò đầu mối và cánh tay nối dài của trong nước trong triển khai hợp tác ASEAN, xử lý quan hệ tại chỗ, theo sát phục vụ các nhiệm vụ lớn đặt ra trong mỗi giai đoạn, cũng như làm tốt công tác thông tin, tham mưu, kiến nghị chính sách và triển khai của Việt Nam đối với ASEAN.

Ngoài ra, với việc Việt Nam sẽ vinh dự cử đại diện đảm nhận chức Tổng Thư ký ASEAN từ tháng 1/2013, Phái đoàn Việt Nam cũng sẽ có trách nhiệm tích cực hỗ trợ, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN trong triển khai các chức năng, nhiệm vụ của ban, nhất là việc tăng cường năng lực và đóng góp hiệu quả của Ban Thư ký đáp ứng yêu cầu thúc đẩy các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN khi mà thời gian cho mục tiêu này đang đến rất gần.

- Xin trân trọng cám ơn Đại sứ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục