Chi tiết tra tấn trong phim Bin Laden không có thực

Các cảnh tra tấn đẫm máu như trong phim "Zero Dark Thirty" săn lùng trùm khủng bố Osama Bin Laden chỉ là sản phẩm tưởng tượng.
Các cảnh tra tấn đẫm máu như trong phim "Zero Dark Thirty" săn lùng trùm khủng bố Osama Bin Laden chỉ là sản phẩm tưởng tượng, theo lời một cựu quan chức Cục tình báo trung ương (CIA) đã điều hành chương trình này.

"Sự thực là không có ai phải đổ máu hoặc bị đánh trong chương trình thẩm vấn mở rộng mà tôi giám sát từ năm 2002-2007," Jose Rodriguez nói trong một bài viết trên tờ Washington Post với tựa đề "Sorry Hollywood. What we did wasn't torture" (Xin lỗi Hollywood. Những gì chúng tôi làm không phải tra tấn)

"Zero Dark Thirty" dự kiến ra rạp Mỹ trong ngày 11/1, do đạo diễn từng đoạt giải Oscar Kathryn Bigelow chỉ đạo diễn xuất.

Bộ phim đã kể lại câu chuyện về cuộc săn lùng Bin Laden kéo dài cả thập kỷ sau vụ khủng bố 11/9 và đỉnh điểm là màn đột kích vào nơi ẩn náu của ông trùm tại Abbottabad, Pakistan trong tháng 5/2011.

Hiện đã gây phỏng đoán về cơ hội đoạt giải Oscar, "Zero Dark Thirty" bắt đầu bằng một cảnh phim mô tả hoạt động tra tấn các phạm nhân, những người đã cung cấp thông tin quan trọng giúp tìm ra Osama Bin Laden. Nhưng Rodriguez khẳng định các cảnh tra tấn không có thực.

"Chẳng có ai bị treo lủng lẳng trên trần cả. Các nhà làm phim đã đánh cắp các khung cảnh kiểu tròng dây vào cổ phạm nhân như dắt chó lấy từ các vụ lạm dụng tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq. Những điều như thế chưa từng diễn ra tại các "điểm đen" của CIA." Ông cho biết CIA luôn giám sát chặt các cuộc thẩm vấn.

"Để được phép thực hiện một cái tát thẳng vào mặt phạm nhân, các sĩ quan CIA phải có giấy cấp phép viết tay gửi tới từ Washington," Rodriguez nói "Các phạm nhân có cơ hội được hợp tác. Nếu họ kháng cự và chúng tôi tin họ đang nắm thông tin quan trọng, họ có thể sẽ phải trải qua một số kỹ thuật thẩm vấn mở rộng như bị nắm cổ áo, không cho ngủ hoặc trong một số trường hợp là kỹ thuật ván nước, dưới sự cho phép của Washington."

Nhưng Rodriguez nói rằng ngay cả với kỹ thuật ván nước, một dạng thẩm vấn khiến phạm nhân có cảm giác như họ sắp chết đuối và là mục tiêu gây tranh cãi lớn, vẫn không bạo lực như những gì được mô tả trên màn bạc và đã không được sử dung lại từ năm 2003.

Ông giải thích rằng thay vì một thùng nước lớn, các chai nước nhỏ đã được sử dụng trên những kẻ cứng đầu.

Rodriguez đã bảo vệ việc sử dụng các địa điểm giam giữ bí mật của CIA trên thế giới, còn gọi là 'các điểm đen', coi đây là những nơi để các điệp viên tình báo có thể thường xuyên tiếp cận với những kẻ bị bắt để kiểm tra manh mối, đưa ra các thông tin mới và kiểm tra thông tin cũ.

Một lượng lớn các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ và cả giám đốc tạm quyền CIA Michael Morrell đã lên tiếng nói rằng phim thổi phồng tầm quan trọng của việc thu thập thông tin bằng các kỹ thuật thẩm vấn mạnh tay.

Ba thượng nghị sĩ Mỹ với nhiều ảnh hưởng là John McCain, Dianne Feinstein và Carl Levin đã yêu cầu CIA cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động hợp tác của tổ chức với đạo diễn phim, để xem có phải Bigelow đã có sự "hiểu lầm" sau khi tiếp xúc với các thông tin của CIA hay không./.

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục