Giảm vai trò "cứu hỏa"

ECB giảm vai trò "cứu hỏa" khủng hoảng nợ châu Âu

Thành viên điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Benoit Coeure nhận định đã tới lúc tổ chức này giảm vai trò "cứu hỏa" khủng hoảng nợ.

Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Benoit Coeure, ngày 26/3 đưa ra nhận định rằng hiện đã tới lúc ECB cần giảm bớt vai trò "cứu hỏa" trong cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và rút lại các biện pháp không theo chuẩn càng sớm càng tốt, nhằm tránh tạo ra những rủi ro mới cho hệ thống tài chính.

Theo ông Coeure, quá trình điều chỉnh chính sách tiền tệ trong thời gian kéo dài có thể tạo ra những hành vi chấp nhận rủi ro quá mức và thổi phồng bong bóng giá tài sản, đồng thời có thể không khuyến khích các ngân hàng, công ty và chính phủ cải thiện bảng cân đối kế toán, qua đó tạo thói quen phụ thuộc vào lãi suất thấp.

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, ECB đã nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ bằng nhiều biện pháp, như tiến hành chương trình gây nhiều tranh cãi về mua trái phiếu của các nước ngập trong nợ nần hồi năm 2010, đưa lãi suất cho vay chuẩn trở lại mức thấp kỷ lục 1% sau hai lần tăng lãi suất trong năm 2011, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tỷ lệ thế chấp. Gần đây nhất, ECB đã bơm trên 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) cho các ngân hàng khu vực đồng euro (Eurozone) với lãi suất thấp để ngăn chặn tình trạng khan hiếm tín dụng.

Giới phân tích cho rằng việc bơm lượng lớn tiền mặt vào hệ thống ngân hàng có thể nhen nhóm nguy cơ lạm phát trong dài hạn và một số biện pháp của ECB đã vượt quá nhiệm vụ quan trọng của ECB là bảo vệ sự ổn định giá cả trong khu vực này. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Mario Draghi và người tiền nhiệm Jean-Claude Trichet nhiều lần nói rằng những biện pháp này chỉ là tạm thời. Chính phủ các nước phải tự giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng hiện nay và tạo nền tảng tài chính vững chắc. Ông Draghi cũng lưu ý rằng việc ECB tăng lượng cung tiền sẽ không nhất thiết dẫn tới tình trạng lạm phát không kiểm soát.

Bên cạnh đó, hiện có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bình ổn của các thị trường tài chính châu Âu trong những tuần qua. Một trong những dấu hiệu này là các ngân hàng Eurozone từ đầu năm 2012 đến nay đã phát hành khoảng 70 tỷ euro nợ ngân hàng không được bảo lãnh, vượt xa con số của 6 tháng cuối năm 2011.

Kể từ khi ECB bơm hơn 1.000 tỷ euro vào hệ thống tài chính thông qua hoạt động tái cấp vốn (LTRO) trong thời hạn 3 năm, ECB đã giảm khối lượng mua trái phiếu chính phủ. Thống kế công bố đầu tuần này cho hay ECB đã không mua trái phiếu của các nước Eurozone trong hai tuần liên tiếp./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục