Sĩ tử run trong ngày đầu làm thủ tục dự thi đại học

Dù chưa bước vào ngày thi nhưng không ít sĩ tử đã có một buổi sáng tim đập, chân run trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi.

Mặc dù chưa bước vào ngày thi chính thức nhưng không ít sĩ tử đã có một buổi sáng tim đập, chân run trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi kỳ thi đại học 2012.


Trương Văn Dương, quê ở Bắc Ninh bảo, mặc dù mới là buổi tập trung để chuẩn bị thi nhưng lúc ngồi vào ghế trường Đại học Xây dựng, tim Dương đã đập thình thịch.

Mấy môn thi tốt nghiệp đợt vừa rồi, Dương làm khá tốt. Hai môn Toán và Hóa tuy không đạt điểm tuyệt đối nhưng cậu bảo, đó chỉ là những nhầm lẫn nhỏ trong lúc tính toán, còn về kiến thức thì Dương nắm cũng chắc. Thế nhưng, buổi sáng nay lúc đến làm thủ tục dự thi, nghĩ tới tỷ lệ chọi cao, cả phòng thi 34 người của cậu có khi chỉ có 3,  4 người đỗ, Dương lại thấy run.

Bố mẹ Dương vốn đã lo, lại thấy cậu cả như thế thì càng lo hơn. Từ hôm lên Hà Nội cách đây ba hôm, Dương bảo, bố mẹ vẫn bắt cậu ôn luyện cho bằng được. Nhà Dương có hai anh em, hơn kém nhau một tuổi. Dương thi xong năm nay, năm sau lại tới lượt cô em gái. Bố Dương bảo, năm nay anh cả thi tốt thì mới làm gương được cho em gái. Nếu không, năm sau cả nhà lại lo gánh nặng của cả hai anh em.

“Từ hôm xuống Hà Nội, em mới được bố đưa sang nhà người bạn cùng quê chơi một lúc. Còn lại chỉ ở nhà ôn lại bài,” Dương nói.

Cũng lo lắng không ít nhưng Đỗ Tuấn Hùng, thí sinh tại điểm thi trường Đại học Bách khoa Hà Nội bảo, đến bây giờ, cậu mới thấy lựa chọn đăng ký của mình là hợp lý.

Ngành học Hùng đăng ký tại trường Bách khoa Hà Nội là cơ khí điện tử điện lạnh, điểm chuẩn năm ngoái chỉ 18,5 điểm. Lực học của Hùng không tồi nên cậu cũng phân vân mãi rồi mới đặt bút điền hồ sơ đăng ký vào khoa này. Hai môn thi tốt nghiệp liên quan tới khối A đợt tốt nghiệp vừa rồi, Hùng bảo, cậu cũng đạt một điểm 10, một điểm 9,5.

Đề thi đại học năm ngoái, Hùng làm khi mới học vừa xong lớp 11 nhưng tính ra, cậu học sinh quê Phú Thọ cũng được khoảng 6 điểm mỗi môn.

“Lúc bình thường làm bài thì còn có thể được nhưng vào phòng thi em hay bị run lắm. Đầu óc sẽ không được nhanh như bình thường. Thế nên em cũng không dám đăng ký khoa cao điểm quá,” Hùng cười.

Có mặt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 6 giờ 30, bạn Nông Văn Tân (Cao Bằng), dân tộc Nùng, gương mặt lạ lẫm nhìn các dãy giảng đường.

Tân bảo đây là lần đầu tiên em về Hà Nội nên cảm thấy rất bỡ ngỡ và cũng cảm thấy rất lo lắng trước kỳ thi đại học lần này.

“Về thành phố mới thấy đời sống của người dân quê mình còn nhiều khó khăn, vất vả quá. Em sẽ quyết tâm, cố gắng hết sức mình trong kỳ thi lần này, để sau này trở về phục vụ, giúp đỡ quê hương,” Tâm bộc bạch.

Suốt cả đêm qua, hầu như Tân không thể ngủ được vì háo hức muốn được nhìn ngôi trường đại học mà mình sẽ dự thi.

Tay vẫn cầm cuốn vở, tranh thủ ôn lại kiến thức, Tân tâm sự: “Chúng em ở vùng cao, điều kiện học tập khó khăn và hạn chế hơn nhiều so với các bạn ở thành phố nên lại càng cảm thấy lo lắng hơn khi tham dự kỳ thi tuyển sinh lần này. Cả lớp em chỉ có chưa đến chục bạn về Hà Nội thi đại học.”

Mặc dù 8 giờ mới bước vào phòng làm thủ tục, tại các điểm thi ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trường Tiểu học Phan Đình Chiểu nhưng ngay từ sáng sớm, rất nhiều thí sinh và người nhà đã có mặt tại địa điểm thi.

Trong lúc sĩ tử đang bước vào phòng làm thủ tục, bên ngoài cổng trường rất đông phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng. Hàng trăm cặp mắt ngóng vào trường với tâm trạng hồi hộp. Thậm chí, có phụ huynh còn vào sát cửa phòng thi nghe ngóng tình hình.

Ngồi bệt xuống sân trường đại học Bách Khoa, bác Trần Văn Khải có con thi vào đại học năm nay đang nói chuyện rôm rả với những phụ huynh khác.

Bác Khải bảo, dù đã là lần thứ hai đưa con đi thi nhưng năm nào cũng có những xúc cảm hồi hộp, lo lắng khác nhau.

Do trọ gần trường nên 7 giờ sáng nay, hai bố con bác Khải đã có mặt ở cổng trường để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ vượt vũ môn. Suốt từ sáng đến giờ, bác Khải vẫn hồi hộp dõi theo từng bước chân của con khi vào tới tận phòng thi để nghe quy chế.

Theo bác Khải, càng gần ngày thi việc lo lắng chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các em là rất quan trọng. Ngoài việc động viên thì phụ huynh cũng chính là người tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho sĩ tử hoàn thành tốt kỳ thi của mình./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục