Chìa khóa cho phát triển

Tái cân bằng là chìa khóa phát triển ở châu Á-TBD

Theo UNESCAP, tái cân bằng các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường là chìa khóa phát triển bền vững ở các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 26/6, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), Tiến sĩ Noeleen Heyzer, khẳng định để thực hiện phát triển bền vững theo định hướng Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20), thông điệp từ các nước châu Á-Thái Bình Dương là tái cân bằng các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững để đảm bảo con người được đặt vào trung tâm của chương trình nghị sự phát triển hậu Rio+20.

Bà Heyzer nhấn mạnh văn bản cuối cùng của Rio+20 “Vì tương lai chúng ta mong muốn” đã ủy nhiệm rõ ràng cho các ủy ban khu vực của Liên hợp quốc như UNESCAP thúc đẩy phát triển bền vững ở các tiểu khu vực và khu vực nhằm đẩy nhanh tiến trình hòa nhập cân bằng các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Các kỹ năng đa lĩnh vực và các chương trình nghị sự phát triển của các Ủy ban khu vực sẽ tạo ra các lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy các chính sách kinh tế xanh trong bối cảnh xóa đói nghèo.

Giáo dục là trung tâm của xóa đói nghèo và thúc đẩy nền kinh tế xanh. Người nghèo phải được trao quyền và cách tốt nhất để trao quyền cho họ là thông qua giáo dục.

Tiến sĩ Heyzer nêu rõ rằng nhiều sáng kiến được thực hiện ở các nước châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy các chiến lược và chính sách kinh tế xanh nhằm đạt được phát triển bền vững.

Các chiến luợc và chính sách này bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thân thiện hệ sinh thái và giảm sức ép lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm có chất lượng cho thanh niên và phụ nữ, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh con người….

Bà nhấn mạnh tuy tăng trưởng xanh có vai trò rất quan trọng và là công cụ phát triển bền vững nhưng nó không thể một mình giải quyết được những nguyên nhân căn bản của đói nghèo.

Để đảm bảo đặt con người vào trung tâm của phát triển bền vững, tăng trưởng xanh phải được hòa nhập với các chính sách xã hội phổ quát để cân bằng hợp lý và hiệu quả giữa cái giá phải trả và lợi ích của quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục