Chính phủ hỗ trợ tu bổ 300 di tích văn hóa quốc gia

Chống xuống cấp, tu bổ hơn 1.000 di tích quốc gia là một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết trên 1.000 di tích quốc gia là một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận di tích quốc gia và di tích đặc biệt quan trọng.

Với mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền vĩnh viễn di sản văn hóa vật thể; nâng cao tính bền vững, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hệ thống di sản này, chương trình sẽ hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích đặc biệt quan trọng (theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Tiếp tục đầu tư triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia đang đầu tư dở dang trong những năm qua. Mỗi năm, đầu tư tu bổ tổng thể cho 60-90 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 300-400 di tích. Bên cạnh đó, hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua từ 10-30 hiện vật mỗi năm để xây dựng sưu tập phù hợp với loại hình và nhiệm vụ của bảo tàng.

Chương trình cũng hỗ trợ xây dựng 500 nhà văn hóa sân tập thể thao cấp xã và 3.000 nhà văn hóa, sân tập thể thao thôn đáp ứng bộ tiêu chí nông thôn mới; xây dựng 30 Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện tại các vùng, miền, các địa phương, vùng sâu, vùng xa;...

Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa đối với các nhà, hội trường sinh hoạt đa năng của các xã, phường và các làng, bản. Đầu tư, thiết bị hoạt động văn hóa cho nhà văn hóa các cấp và các đội thông tin lưu động. Cấp trang thiết bị hoạt động văn hóa thông tin cho đồng bào các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Xây dựng mới bảy trung tâm nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại một số vùng tiêu biểu; tiếp tục đầu tư cho dự án "Sân khấu học đường" giai đoạn 2012-2015, thực hiện mỗi năm 6 chương trình ở các địa phương khác nhau;...

Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ phải đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống, thông qua hình thức xây dựng, nâng cấp các rạp biểu diễn nghệ thuật truyền thống Trung ương, hỗ trợ xây dựng các rạp tại các địa phương có loại hình nghệ thuật tiêu biểu.

Bên cạnh đó,chương trình cũng hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho các đoàn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cán bộ, diễn viên theo từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các đối tượng nghệ nhân, diễn viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước đồng thời, xây dựng, biên soạn giáo trình, các ấn phẩm, băng đĩa về các loại hình nghệ thuật truyền thống cho hệ thống trường học trên cả nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục