Fujitsu VN sẽ hướng nhiều hơn tới người dùng cuối

Để khẳng định vị trí trong thị trường công nghệ, thời gian tới, Công ty Fujitsu Việt Nam sẽ tập trung hơn nữa đến người dùng cuối.
Gia nhập thị trường công nghệ Việt Nam từ năm 1999, Công ty Fujitsu (Nhật Bản) đã nhanh chóng có được chỗ đứng. Song, trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi hiện nay, Fujitsu đã có nhiều chuyển biến để đem lại lợi ích cho người dùng cuối.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với ông Matsuura Taro, Tổng Giám đốc Fujitsu Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

- Thưa ông, ông nghĩ gì về thị trường công nghệ Việt Nam trong bối cảnh hiện tại?

Ông Matsuura Taro: Việt Nam là một đất nước trẻ và khi tôi tiếp xúc với các đối tác thì phần lớn là những người trẻ tuổi. Mà, tuổi trẻ thì rất năng động, nhất là trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin.
 
Bên cạnh sự trẻ trung, họ còn rất thông minh. Cộng thêm với việc Chính phủ Việt Nam rất coi trọng lĩnh vực công thệ thông tin, tôi cho rằng Việt Nam sẽ là một nước phát triển rất là mạnh trong tương lai. Và vì thế, đây rõ ràng là một thị trường hấp dẫn, không chỉ đối với Fujitsu mà còn với nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác.

- Dự báo thị trường như vậy, trong thời gian tới, Fujitsu sẽ  tập trung vào những nhóm lĩnh vực và giải pháp nào tại Việt Nam?

Ông Matsuura Taro: Công ty chúng tôi có các giải pháp chính là về cấc phần cứng và phần mềm cùng các dịch vụ hỗ trợ.

Ví dụ như về phần cứng thì chúng tôi tập trung phát triển các sản phẩm máy quét, sản phẩm lưu trữ dữ liệu. Ngoài ra còn có các giải pháp về nhân sự.

Còn về lĩnh vực phần mềm chúng tôi hỗ trợ hệ thống công nghệ, nghĩa là triển khai các giải pháp như là việc cử các kĩ sư đến các nhà máy giúp họ triển khai các hệ thống công nghệ....

Ngoài ra, Fujitsu đang thực hiện xu hướng đưa công nghệ điện toán đám mây nằm ở trung tâm hỗ trợ phần cứng và phần mềm cùng với các ê-kíp để làm việc tốt hơn.

- Trong buổi công bố Viettel là nhà phân phối sản phẩm của Fujitsu, ông có nói đến việc mong tiếp cận với người dùng cuối ở Việt Nam. Song, có một thế mạnh để tiếp cận với người dùng cuối mà dường như Fujitsu Việt Nam đã bỏ qua, chính là thị trường Laptop – trong khi sản phẩm này của Fujitsu khá mạnh, thưa ông?

Ông Matsuura Taro: Fujitsu Việt Nam chỉ tập chung vào việc cung cấp các sản phẩm phần cứng và phần mềm cùng các kinh kiện phụ đi kèm. Còn về phân phối Laptop lại thuộc về Fujitsu Hồng Kông... Tuy nhiên, trong tương lai, Fujitsu Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện để trở thành công ty phân phối chính sản phẩm của Tập đoàn Fujitsu Việt Nam.

Bên cạnh đó, Fujitsu Việt Nam còn mong muốn đem đến nhiều sản phẩm hơn nữa cho người tiêu dùng cuối như điện thoại di động thông minh, máy tính bàn...

- Có một thực tế là dù có mặt tại Việt Nam từ năm 1999 và Fujitsu là một tên tuổi lớn trong làng công nghệ thế giới. Song, sự nhận diện thương hiệu của Fujitsu ở Việt Nam hình như chưa thực sự nổi bật, thưa ông?

Ông Matsuura Taro: Thời gian qua, Fujitsu tập trung vào khách hàng Nhật là chính nên chúng tôi chưa chú trọng nhiều đến khách hàng địa phương. Tuy nhiên, đây là điều chúng tôi muốn thay đổi và vì vậy Fujitsu đã xây dựng một nhà máy ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là nhà máy lớn với 2800 công nhân, chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn xuất khẩu. Sự xuất hiện của nhà máy này cũng làm đẩy mạnh hình ảnh của Fujitsu hơn nữa tại Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với Viettel và 7 công ty đối tác phát triển thị trường để tiếp cận nhiều hơn với khách hàng địa phương.

Về việc hợp tác với Chính phủ, thì Fujitsu có sản phẩm Super Computer, đây là sản phẩm thế mạnh hàng đầu của Fujitsu với việc sản phẩm có thể dự báo thời tiết, thiên tai, môi trường... Sản phẩm được nhiều nước quan tâm và chúng tôi cũng muốn giới thiệu sản phẩm này tới Chính phủ Việt Nam.

- Cách đây hơn một năm, thảm họa kép ngày 11/3 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Nhật Bản. Fujitsu có bị ảnh hưởng nhiều không và việc này tác động thế nào đến Fujitsu Việt Nam?

Ông Matsuura Taro: Khi thảm họa xảy ra nó đã ảnh hưởng đến Fujitsu rất nhiều. Nhà máy của chúng tôi ở Nhật phải đóng cửa một tuần. Điều này khiến việc kinh doanh ở Việt Nam bị ảnh hưởng vì chậm bàn giao sản phẩm cho khách hàng...

Tuy nhiên việc xảy ra thảm họa sẽ có chiếu hướng tốt. Điều đó buộc Fujitsu phải nghĩ làm thế nào để giái quyết, làm thế nào để khi thảm họa diễn ra mà vẫn có thể tiếp tục được công việc.

- Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê-Phạm Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục