Canada rơi khỏi tốp 20 bảng xếp hạng bình đẳng giới

Canada đã tụt 3 bậc, hiện xếp ở vị trí 21, sau Philippines, Latvia, Cuba và Nicaragua trong bảng xếp hạng thế giới về bình đẳng giới.
Nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đăng tải trên báo Thư tín địa cầu ngày 24/10 cho biết Canada đã tụt 3 bậc, hiện xếp ở vị trí 21, sau Philippines, Latvia, Cuba và Nicaragua trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới.

Lần đầu tiên kể từ khi WEF bắt đầu công bố xếp hạng quốc gia thường niên về bình đẳng giới năm 2006, Canada đã ra khỏi tốp 20 nước đứng đầu vì lý do “thiếu các đại diện nữ trong hệ thống chính trị.”

Trong bảng xếp hạng của WEF năm nay, các quốc gia Bắc Âu vẫn duy trì tốt các vị trí trên bảng xếp hạng, dẫn đầu là Ireland, tiếp theo là Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển. Trong khi đó, Yemen xếp ở vị trí cuối cùng trong danh sách 135 quốc gia.

Bảng xếp hạng của WEF dựa trên cơ sở các dữ liệu về bình đẳng giới trong tiếp cận và tham gia các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục và y tế.

Yếu tố khiến Canada bị tụt bậc là vấn đề trao quyền chính trị cho nữ giới. Tỷ lệ phụ nữ Canada tham gia trong các vị trí cấp cao của nhà nước, cấp bộ trưởng và nghị sỹ quốc hội ít được cải thiện trong năm qua so với nhiều nước khác. Riêng ở khía cạnh này, Canada đã tụt xuống vị trí 38, sau Ecuador, Sri Lanka và Anh.

Nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết tốc độ thu hẹp khoảng cách về bình đẳng giới trên toàn cầu diễn ra khá chậm. Hơn một nửa số quốc gia được khảo sát không có bất kỳ một cải thiện nào vượt quá 5% trong vòng bảy năm qua.

Nghiên cứu nhấn mạnh việc thu hẹp khoảng cách về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế của một nước; đồng thời rút ra một kết luận rằng khả năng cạnh tranh và bình đẳng giới ở mỗi quốc gia có mối liên hệ tương đối chặt chẽ.

Sáu trong số 10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu của diễn đàn này trong năm nay cũng nằm trong nhóm 20 nước có chỉ số khoảng cách giới tính thấp.

Nghiên cứu viết: “Các dữ liệu cho thấy có một mối tương quan mạnh mẽ. Các nước có nhiều thành công trong việc thu hẹp khoảng cách giới đều là những quốc gia có sức cạnh tranh nhất."

Ông Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành của diễn đàn, cho biết: "Trong tương lai, tài năng sẽ trở thành vấn đề quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Phát triển khía cạnh giới không chỉ giải quyết câu hỏi về bình đẳng mà còn mang lại sự thành công và thịnh vượng cho mỗi quốc gia trong một thế giới ngày một cạnh tranh hơn."

Trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới năm nay, nhiều quốc gia đạt được những tiến bộ lớn, đặc biệt là Nicaragua đã nổi lên và trở thành quốc gia bình đẳng nhất ở Mỹ Latinh nhờ việc có thêm nhiều phụ nữ tham gia trong quốc hội.

Brazil tăng 20 điểm do những cải tiến mạnh mẽ trong giáo dục tiểu học và sự gia tăng nữ giới trong các vị trí bộ trưởng.

Trong khi đó, Ấn Độ tụt xuống vị trí 105 và đứng cuối cùng trong khối BRIC (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục