Tổ chức tập huấn giảng dạy tiếng Việt tại Thái Lan

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban giáo dục đại học Thái Lan mở lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt tại Bangkok.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan ngày 4/7, nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và truyền bá tiếng Việt trên đất Thái, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban giáo dục đại học Thái Lan mở lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt tại Bangkok. Đây là lớp tập huấn thứ hai do bộ Giáo dục hai nước phối hợp tổ chức, trong đó 16 đối tượng được chọn đi học đều là giáo viên người Thái gốc Việt và giáo viên người Thái đang giảng dạy tiếng Việt ở các trường đại học.

Chương trình tập huấn lần này kéo dài trong hai tuần và dựa trên đề án Hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với một số trường đại học trong nước biên soạn. Các học viên, sau khóa học, hầu hết đều nắm được nội dung cũng như cấu trúc chương trình giảng dạy của hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt để từ đó áp dụng triển khai tại nơi công tác của họ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huệ, thuộc Trường đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và là trưởng đoàn giảng viên khóa tập huấn, cho biết: đây là lần thứ hai ông tham gia chương trình. Chương trình lần này được tổ chức chuyên nghiệp hơn hẳn lần thứ nhất ở Noong Khai và Nakhon Phanom bốn năm trước. Các học viên đều là những cá nhân ưu tú được chọn tham dự khóa tập học. Họ rất yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Họ học rất tích cực và hy vọng những chương trình tập huấn kiểu này sẽ đạt kết quả tốt.

Trong buổi bế giảng khóa học, tiến sĩ Surin Churaisin, đại diện của Ủy ban giáo dục đại học Thái Lan nói rằng sau khóa học này các học viên đã có thêm kinh nghiệm và kiến thức để áp dụng nó trong việc giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Thái gốc Việt ở Bangkok cũng như ở các tỉnh thành khác của Thái Lan. Bà Surin cũng bày tỏ sự cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã tích cực phối hợp tổ chức thành công lớp học này.

Lớp trưởng khóa tập huấn Phan Quốc Lợi, giảng viên trưởng Pathumthep Witthayakarn ở Nóng Khai, tâm sự rằng khi nhận được giấy triệu tập tham dự, anh rất phân vân vì cảm thấy phải xa nhà, xa công việc khá lâu. Anh luôn tự hỏi việc học các phương thức giảng dạy có khó không? có cần thiết không? Nhưng đến ngày bế giảng anh đã cảm thấy thời gian trôi đi thật nhanh.

Anh cũng cảm ơn bộ giáo dục hai nước đã phối hợp tổ chức khóa tập huấn này, giúp anh có thêm kinh nghiệm để truyền đạt lại tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam tới cộng đồng bà con người Việt ở Noong Khai, trang bị cho các học sinh của anh kiến thức để trở thành công dân tốt và để chuẩn bị hội nhập vào ngôi nhà chung ASEAN./.

Hà Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục