WEP: Nợ công có thể dẫn đến khủng hoảng mới

WEF cảnh báo rằng căng thẳng thâm hụt ngân sách quá mức có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trong những năm tới đây.
Trong báo cáo về "Những rủi ro kinh tế thế giới phải đối mặt trong năm 2010 và những năm tiếp theo" của tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có trụ sở tại Thụy Sĩ cảnh báo rằng căng thẳng thâm hụt ngân sách quá mức có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trong những năm tới đây.

Tổ chức này cũng thúc giục chính phủ các nước cần tiến hành ngay những biện pháp cụ thể để giúp cân bằng chi tiêu.

Theo phân tích của WEF, trong năm 2009, nhiều nước trên thế giới đã triển khai hàng loạt biện pháp kinh tế chưa từng có như bơm tiền để cải thiện tính thanh khoản của hệ thống tài chính-ngân hàng, hay triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, các biện pháp này đã khiến ngân sách của nhiều nước bị thâm hụt nặng nề, điển hình như Mỹ, Anh và Hy Lạp.

Thâm hụt ngân sách quá lớn có thể làm gia tăng áp lực lên tỷ lệ lãi suất thực tế, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như làm gia tăng thất nghiệp ở các nước.

Đặc biệt, tình trạng thâm hụt ngân sách lớn ở những nước phát triển có thể còn tiếp tục gia tăng do chi phí cho việc cải thiện hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tăng cao.

Đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới có thể nổ ra, WEF khuyến nghị các nước cần có ngay các biện pháp nhằm cải thiện tình hình thâm hụt ngân sách của mình, trước mắt là xác định thời điểm phù hợp để chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế đang triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục