Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của BMBF

Trong những năm gần đây, VN là một trong những đối tác mang tính động lực quan trọng nhất của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức trong ASEAN.
Nhân dịp khởi động "Năm Đức tại Việt Nam - 2010" ở Hà Nội, trong khuôn khổ kỷ niệm 35 năm quan hệ Đức-Việt, mạng tin Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF) có bài viết đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu.

Bài viết cho biết trong những năm gần đây, Việt Nam giữ vai trò là một trong những đối tác mang tính động lực quan trọng nhất của BMBF trong khu vực ASEAN với những trọng tâm hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ sinh học và môi trường. Sự hợp tác được tăng cường thông qua các hội nghị chung trong năm 2008 ở Berlin và 2009 ở Hà Nội.

Trong chuyến thăm mới đây nhất của đoàn đại biểu BMBF tới Việt Nam, hai bên đã đạt được thỏa thuận về một chương trình hợp tác song phương mới với trọng tâm là lĩnh vực công nghệ nước và môi trường.

Một số dự án nghiên cứu sâu rộng giữa hai nước trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải cũng như trong lĩnh vực công nghệ sinh học về trồng trọt, chăn nuôi và vi sinh được BMBF hỗ trợ đắc lực.

Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ nước và môi trường, BMBF và Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam đã lập một Văn phòng dự án chung ở Hà Nội để thực hiện các dự án khuyến khích các nhà khoa học trẻ Việt Nam nghiên cứu lĩnh vực công nghệ sinh học ở Đức.

Các nhà khoa học này sau khi trở về nước sẽ là những đối tác quan trọng của các cơ quan nghiên cứu cũng như các công ty Đức trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Trên cơ sở hợp tác nghiên cứu, trường Đại học Greifswald (Đức) đã có các khóa học chung trong lĩnh vực khoa học với các cơ quan đối tác ở Việt Nam như Viện Công nghệ Sinh học (IBT), Viện Hàn lâm Khoa học Việt (VAST)).

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sự hợp tác song phương tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong nghiên cứu nhằm dự đoán các loại dịch bệnh truyền nhiễm mới.

Một lĩnh vực khác có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng là hợp tác về quản lý nghiên cứu cơ chế ở Việt Nam nhằm khuyến khích nghiên cứu cải cách theo mô hình cơ chế của Đức. Một phần của cuộc cải cách này là việc thành lập Trung tâm đánh giá Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VISTEC) năm 2005./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục