Nâng biên độ tỷ giá: Một mũi tên trúng nhiều đích

Quyết định nâng tỷ giá USD và VND vừa qua được đánh giá là một quyết định đúng hướng, vừa giúp cân bằng cung-cầu ngoại tệ, vừa kích thích xuất khẩu và kiềm chế lạm phát. Thời điểm tăng tỷ giá trước Tết Nguyên đán đã giúp giảm "sốc" đối với nhiều thành phần, đồng thời hạn chế sự "phát hỏa" của thị trường ngoại hối tự do khiến thị trường này được cho là "không bị tác động nhiều."
Thị trường ngoại hối đã có tín hiệu khả quan sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VND thêm 603 VND/USD (tương đương hơn 3%) từ ngày 11/2. Theo đó, mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới sẽ là 18.544 VND/USD.

Với biên độ biến động tỷ giá là +/-3%, ngân hàng có thể mua/bán USD với giá trần là 19.100 VND/USD và giá sàn là 17.987 VND/USD.

Cân bằng cung cầu ngoại tệ

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức mới, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh tỷ giá.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ giá giao dịch USD là 18.800 (mua vào) và 19.100 VND/USD (bán ra).

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank), tỷ giá giao dịch là 18.990-19.100 VND/USD, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), tỷ giá này là 18.900-19.100 VND/USD...

Theo ông Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đây là quyết định chính xác và kịp thời. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn thiếu nguồn ngoại tệ. Việc nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hà, để cân bằng cung-cầu ngoại tệ không chỉ dựa vào việc nâng tỷ giá mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cũng cho rằng: “Với việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ, tăng tỷ giá mua bán lên thì việc trao đổi ngoại tệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều”. Tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty thương mại và chế biến thực phẩm Asia Food Nguyễn Văn Tấn nói: “Hiển nhiên là doanh nghiệp xuất khẩu cảm thấy phấn khởi hơn. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tính ra VND tăng lên.”

Ông Tấn dẫn ra ví dụ Asia Food ký hợp đồng xuất khẩu 1 triệu hộp dưa chuột bao tử sang Hàn Quốc khi tỷ giá USD là 18.000 VND/USD. Đến nay, tỷ giá đã tăng lên 19.000 VND/USD, chỉ tính riêng việc tỷ giá tăng đã giúp doanh nghiệp có thêm 650-700 triệu đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu thì không vui được như vậy vì tỷ giá tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa nhập khẩu tăng, đồng nghĩa với sức mua có thể giảm. Dù vậy, tỷ giá tăng cũng sẽ giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn.

“Trước đây, vì có sự chênh lệch tỷ giá giữa hệ thống ngân hàng và bên ngoài nên doanh nghiệp rất khó mua USD. Bây giờ, việc mua ngoại tệ đã dễ dàng hơn rất nhiều, giấy tờ mua bán ngoại tệ cũng được hợp thức”, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết.

Kích thích xuất khẩu, kiềm chế lạm phát

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng quyết định tăng tỷ giá trước Tết Nguyên đán đã hạn chế "sốc" đối với nhiều người, đồng thời hạn chế sự "phát hỏa" của thị trường ngoại hối tự do.

Chiều qua, tỷ giá giao dịch USD ngoài thị trường tự do đứng ở mức 19.400 (mua vào)-19.480 VND/USD (bán ra).

Theo chủ một cửa hàng trên phố Hà Trung, Hà Nội, quyết định tăng tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước không tác động nhiều lắm tới thị trường ngoại hối.

“Trước đây, mỗi khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, giá ngoại tệ thu đổi tự do ngay lập tức tăng theo. Tuy nhiên, lần này tỷ giá ngoại tệ ngoài thị trường tự do tăng không đáng kể”, chủ cửa hàng này cho biết.

Không chỉ giảm nhiệt thị trường ngoại tệ tự do, việc nâng tỷ giá còn là một mũi tên trúng nhiều đích.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng tỷ giá sẽ kích thích xuất khẩu, giảm nhập siêu; tạo ra GDP, giúp người dân có việc làm, có thu nhập, làm tăng sức mua, từ đó giảm áp lực lạm phát.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh thì cho đây là một quyết định đúng hướng và tất yếu vì các chỉ số nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán trong thời gian qua đều dẫn tới việc phải điều chỉnh tỷ giá.

Giới chuyên gia cũng nhận xét năm 2010, kinh tế thế giới có chiều hướng phục hồi, xuất khẩu có nhiều tín hiệu tăng trở lại, du lịch cũng khởi sắc.

Dự báo, các nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam từ xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, kiều hối, du lịch... sẽ tăng lên, giúp đảm bảo tốt hơn cán cân thanh toán tổng thể.

Cùng với việc Chính phủ đã chào bán thành công 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ kỳ hạn 10 năm cho các nhà đầu tư quốc tế, việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần giúp thị trường ngoại hối được khơi thông trong năm 2010./.

Hữu Vinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục