Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò dầu mỏ tại Địa Trung Hải

Tàu Piri Reis của Thổ Nhĩ Kỳ, được máy bay và tàu khu trục nước này hộ tống sát sao, đã bắt đầu nghiên cứu địa chấn ở Địa Trung Hải.
Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin chiều 26/9, tàu Piri Reis của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến hành thăm dò dầu mỏ ở Địa Trung Hải.

Hãng Anatolia dẫn lời ông Huseyin Avni Benli, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Hải quân thuộc trường Đại học tổng hợp Dokuz Eylul cho biết, tàu Piri Reis đã bắt đầu nghiên cứu địa chấn ở vùng Đông Địa Trung Hải.

Theo ông Benli, hoạt động nghiên cứu diễn ra bình thường và chiếc tàu nói trên được các máy bay và tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống sát sao.

Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và nhà lãnh đạo của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dervis Eroglu đã ký một thỏa thuận tại New York (Mỹ) về việc phân chia thềm lục địa giữa hai bên tại vùng Đông Địa Trung Hải, sau khi người Síp gốc Hy Lạp bắt đầu khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển Đông Nam ngoài khơi đảo Síp.

Để thuận tiện cho việc khai thác dầu khí tại Địa Trung Hải, năm 2010, người Síp gốc Hy Lạp cũng đã ký với Israel thỏa thuận phân chia ranh giới trên biển, đồng thời hợp tác với Mỹ để khai thác dầu khí tại một khu kinh tế liền kề vùng biển của Israel. Tuy nhiên, Ankara cho rằng việc phân định khu vực kinh tế này còn nhiều tranh cãi.

Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận vấn đề đảo Síp và các dự án thăm dò dầu khí ở Đông Địa Trung Hải.

Hai bên nhất trí cho rằng, các hành động đơn phương khai thác dầu khí ngoài khơi ở khu vực này sẽ làm phương hại đến tiến trình đàm phán sắp tới, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này nên được để lại sau khi đạt được thỏa thuận toàn diện về việc thống nhất đảo Síp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục