FAO sẽ hỗ trợ Yên Bái trong phòng chống bệnh dại

FAO cam kết sẽ nghiên cứu, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc tuyên truyền về bệnh dại.
Ngày 8/5, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), đại diện Cục Thú y và Cục Y tế dự phòng đã có buổi làm việc với các cơ quan chuyên môn tỉnh Yên Bái về tình hình bệnh dại và công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, FAO cam kết thời gian tới sẽ nghiên cứu, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc trong công tác thông tin tuyên truyền về bệnh dại đến với người dân.

Tại buổi làm việc, tỉnh Yên Bái đã thông tin nhanh với đoàn công tác về công tác phòng chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn từ năm 2011 đến nay. Theo đó, năm 2011 có 878 người bị chó mèo cắn; năm 2012 có 186 chó mắc bệnh và 458 người bị chó cắn tại 31 xã phường, thị trấn của 7 huyện. Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, cả tỉnh có 76 ca tử vong do bệnh dại, trong đó huyện Yên Bình là địa phương có số người tử vong cao nhất. Đáng lưu ý, chỉ từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 2.888 trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại và đã có 5 người tử vong do chó dại cắn.

Sau khi nghe báo cáo tình hình bệnh dại trên địa bàn và đi kiểm tra thực tế điểm tiêm phơi nhiễm bệnh dại tại huyện Yên Bình, Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của Yên Bái trong thời gian qua. Đặc biệt là việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái ra quyết định hỗ trợ tiền tiêm phơi nhiễm bệnh dại cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Đoàn công tác đã chia sẻ một số kinh nghiệm hay trong xử lý bệnh dại của các nước trên thế giới song cũng khuyến cáo, Yên Bái nên xử lý bệnh dại từ gốc, thực hiện nghiêm việc tiêm vắcxin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo; tuyên truyền bằng nhiều hình thức hơn nữa về bệnh dại tới người dân.

Thời gian qua, mặc dù Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh dại như: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tăng cường hoạt động giám sát và triển khai mở rộng tiêm phòng bệnh dại; tập huấn tuyên truyền chuyên môn cho cán bộ cơ sở; xử lý ổ dịch. Tuy nhiên, do tập quán thả rông chó mèo nên việc tiêm phòng và quản lý đàn chó tại cơ sở gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ chó được tiêm phòng còn thấp, người dân thiếu kiến thức, chủ quan khi bị chó, mèo cắn... đặc biệt ở vùng sâu vùng xa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số./.

Trung Kiên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục