Thủ thuật của Palestine?

Đe dọa ngừng thỏa thuận - thủ thuật của Palestine?

Palestine gần đây đã đe dọa chấm dứt các thỏa thuận trước đây với Israel trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa hai bên lâm vào bế tắc.
Các quan chức Palestine gần đây đã đe dọa chấm dứt các thỏa thuận trước đây với Israel trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa hai bên lâm vào bế tắc.

Ngày 23/10, ông Ahmed Majdalani, thành viên trong Ủy ban hàng đầu của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố: “Có nhiều khả năng chúng tôi sẽ từ bỏ mọi nghĩa vụ của Palestine liên quan đến các thỏa thuận này,” do Israel thường xuyên vi phạm thỏa thuận.

Thỏa thuận quan trọng nhất đạt được giữa Palestine và Israel từ trước tới nay là Hiệp định Oslo dẫn tới sự ra đời của Chính quyền dân tộc Palestine (PNA). Hiệp định này cũng được coi là bước đi đầu tiên hướng tới thành lập nhà nước Palestine độc lập và có thể đứng vững ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Tuy nhiên, ông Majdalani hiện đang tố cáo Israel không tuân thủ những nội dung cơ bản của hiệp định và kêu gọi các bên hợp tác trong thực hiện thỏa thuận này.

Giới phân tích tại địa phương cho rằng lời đe dọa của ông Majdalani nhằm tăng sức ép buộc Israel phải nối lại các cuộc thương lượng do Mỹ hậu thuẫn, vốn đã bị đình hoãn từ cuối tháng 9 vừa qua. Nhà nghiên cứu Mark Heller của Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS) ở Tel Aviv nói: “Đây chỉ là thủ thuật mặc cả, vì họ không nói rõ những hậu quả có thể xảy ra và liệu họ có thực hiện những lời đe dọa ấy hay không.”

Ông Yoram Meital, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, tỏ ý bi quan trước triển vọng hai bên có thể đạt được một thoả thuận mang tính đột phá nào đó, vì cả Thủ tướng Israel Netanyahu, người Palestine lẫn Tổng thống Mỹ Obama cùng đang phải tập trung vào các vấn đề chính trị nội bộ.

Nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Daniel Diker của Trung tâm các vấn đề công cộng ở Jerusalem cho rằng tuyên bố mới đây của các quan chức Palestine là một nỗ lực trong chiến dịch nhằm hướng tới thành lập nhà nước Palestine có chủ quyền.

Ông giải thích thêm rằng Palestine đang theo đuổi hai cách tiếp cận song song nhau, đó là “chiến thuật thảo luận với Israel và chiến lược hướng tới đơn phương tuyên bố sự ra đời của nhà nước Palestine trong đường biên giới năm 1967 được quốc tế chấp nhận.”

Trở lại vấn đề đường biên giới năm 1967 trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây là một trong những đòi hỏi chủ chốt trong các cuộc đàm phán giữa PLO và Israel, cùng với quy chế của Jerusalem và tương lai của người tị nạn Palestine, những người phải rời bỏ Israel khi nhà nước Do Thái ra đời năm 1948.

Ông Diker nói: “Họ đưa ra những tuyên bố này nhằm chuẩn bị dư luận cho cộng đồng quốc tế chấp nhận tuyên bố đơn phương của Palestine hoặc tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về sự ra đời của nhà nước Palestine trong đường biên giới năm 1967.

Ông cho rằng nếu Palestine đơn phương tuyên bố độc lập thì điều này có thể không được Hội đồng Bảo an chấp thuận, vì thế Palestine muốn thay thế nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an bằng một nghị quyết khác công nhận nhà nước Palestine trong giới tuyến năm 1967.

Tuy nhiên ông Diker thừa nhận rằng một nghị quyết như vậy ít có khả năng được Mỹ, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết và là đồng minh thân cận của Israel, chấp thuận.

Nhà báo người Palestine, Hani Masri nói ban lãnh đạo Palestine không tin rằng các cuộc đàm phán hiện nay với Israel có thể đạt được kết quả nào đó. Tuy nhiên, Chính quyền Palestine vẫn chưa quyết định giải pháp thay thế nếu các cuộc thương lượng hiện nay đổ vỡ.

Ông cho biết các quan chức Palestine “đã tính tới một vài giải pháp thay thế, nhưng chưa quyết định.” Về khả năng PLO giải tán PNA, ông Masri nói: “Đây không phải là sự lựa chọn nghiêm túc, nhưng nếu đàm phán thất bại họ sẽ tính tới các giải pháp thay thế”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục