Công bố 3 luật và Nghị quyết về công trình quốc gia

Luật bưu chính; Luật sử dụng năng lượng; Luật người khuyết tật và Nghị quyết về dự án, công trình quốc gia đã được công bố ngày 9/7.
Ngày 9/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật bưu chính; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật người khuyết tật và Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích

Luật bưu chính được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhằm khắc phục những bất cập của Pháp lệnh so với thực tiễn, so với yêu cầu của WTO và Công ước của Liên minh Bưu chính Thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại cũng như xu hướng phát triển của ngành bưu chính Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Luật bưu chính gồm 10 chương, 46 điều. Một trong những nội dung quan trọng của Luật bưu chính là việc quy định Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Dịch vụ này nhằm phục vụ nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân đều có quyền tiếp cận, có quyền thụ hưởng và bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ.

Theo điều 3 của Công ước Liên minh Bưu chính Thế giới mà Việt Nam là thành viên thì các nước thành viên phải đảm bảo để tất cả mọi công dân đều có quyền được hưởng dịch vụ bưu chính phổ cập ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước mình.

Do vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ này được thực hiện một cách liên tục, có chất lượng đến mọi người dân với giá cước phù hợp.

Cụ thể hóa nội dung, nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việc xây dựng và ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm điều chỉnh toàn bộ hành vi phía sử dụng năng lượng tại thời điểm hiện nay là cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 12 chương, 48 điều, quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật; Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định Lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; các văn bản hướng dẫn liên quan để đảm bảo cho việc thực thi Luật hiệu quả, kịp thời.

Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật

Luật người khuyết tật được xây dựng dựa trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật nhằm tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với người khuyết tật theo hướng bảo đảm quyền của người khuyết tật.

Luật gồm 10 chương, 53 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật.

Bảo trợ xã hội là một trong những nội dung chính sách quan trọng của Luật, cụ thể là người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hỗ trợ kinh phí mai táng khi chết (khoản 1 điều 44, 46); Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng đang mạng thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi là các đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng (khoản 2 điều 44).

Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Nhà nước cấp kinh phí cho các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng người khuyết tật (điều 45). Cơ sở chăm sóc người khuyết tật thực hiện đầy đủ các quy chuẩn về nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật (điều 48).

Ba Luật trên đều có hiệu lực thi hành từ 1/ 1/ 2011.

Quy định tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia

Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2010. Nghị quyết này quy định về tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; trình tự, thủ tục, nội dung hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam là dự án, công trình quan trọng quốc gia khi có một trong các tiêu chí tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên; Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường gồm Nhà máy điện hạt nhân; Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên.

Bên cạnh đó là dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên; Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh; Dự án công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài có một trong các tiêu chí như là dự án, công trình quan trọng quốc gia có tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ 7.000 tỷ đồng trở lên; dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục