Tha hương sau lũ

Người dân miền Trung tha hương mưu sinh sau lũ

Mất trắng vì lũ, người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… buộc phải rời bỏ ruộng đồng, nhà cửa, đi tha hương tứ xứ tìm đường mưu sinh.
Đối mặt với lũ, người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… kiên cường bám trụ bao nhiêu thì giờ đây, đối mặt với nghèo đói, họ lại buộc phải rời bỏ ruộng đồng, tìm đường mưu sinh nơi xứ khác.

Đã gần một tháng từ khi trận lũ lớn quét vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhưng cuộc sống của những xóm nghèo nơi đây vẫn chưa thể trở về với nhịp điệu bình thường của nó.

Khăn gói tha hương


Chỉ cho chúng tôi bãi đất cao nơi lũ trẻ chăn trâu đang hò nhau đá bóng, anh Hòe, xóm trưởng xóm 9, xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc, Nghệ An) kể, mấy ngày nước lũ về, cả khoảng đất cao như thế cũng ngập băng trong nước. Nhà anh từ trước tới nay, nước chỉ lên tới mặt sân nhưng tháng trước, cả gia đình anh cũng phải bưng bê đồ đạc chạy lên gác lửng ở tạm vì nước xâm xấp tới ngang người.

Cũng may, nước cũng rút. Bà con lại tất bật tìm lại nhịp sinh hoạt thường ngày. Thế nhưng, điều làm anh trưởng xóm băn khoăn không dứt đó là, mỗi ngày trôi qua, thôn xóm lại ngày một vắng vẻ. Phần lớn các gia đình trong xóm đều đã có người phải bỏ quê, lặn lội về các tỉnh kiếm việc làm để kiếm thêm thu nhập khi mà lương thực dự trữ trong nhà đã hết.

“Mọi năm, thời gian này là bà con vừa thu hoạch xong, vui lắm. Nhưng giờ thì mọi người bỏ đi cả, vì ở nhà thì đói, mà vụ đông xuân lại chưa tới,” anh Hòe trầm ngâm.

Theo sự chỉ dẫn của anh Hòe, chúng tôi tìm tới nhà bà Vũ Thị Mai, một trường hợp khá đặc biệt trong xã. Những ngày này, nhà bà Mai chỉ còn độc hai bà cháu bấu víu lấy nhau. Hai vợ chồng người con trai qua đợt lũ đã dắt díu nhau vào tận Đà Lạt xin việc.

Thẫn thờ ngó ra khoảng sân trước nhà, bà Mai bảo, mấy hôm trước, con trai có gọi về nhà, mừng mừng tủi tủi nói rằng, hai vợ chồng đã kiếm được việc làm thuê tại một vườn trồng rau. Thế là cũng có đồng ra đồng vào, chẳng sợ chết đói.

Thấy khách lạ, bé Đào, cháu bà Mai, cứ hí hửng, lũn cũn chạy ra chạy vào. Bà Mai bảo, giờ vui là thế, nhưng có hôm, bé Đào quấy đòi mẹ thì dỗ thế nào cũng ngằn ngặt khóc. Những lúc như thế, bà Mai lại cặm cụi đem mấy quyển truyện đã nhòe chữ đọc cho Đào nghe những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, bé mới thôi khóc.

“Nhà vẫn còn gạo cho hai bà cháu, nhưng còn đủ thứ phải chi tiêu. Vả lại, cũng chỉ còn có 2 tháng nữa là Tết nên hai vợ chồng nó cố đi kiếm thêm vài đồng,” bà Mai chia sẻ.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau


Nhưng không phải ai cũng may mắn có được việc làm như vợ chồng con bà Mai. Có những người, vốn đã phải cắn răng xa gia đình vào Nam kiếm việc, nay lại tay trắng trở về nhà.

Để lại hai đứa nhỏ nhờ ông bà nuôi, hai vợ chồng anh Đào Quang Dũng (Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An) khăn gói lên đường vào Đắk Lắk cách đây mấy tuần.

Đứa con lớn nhà anh vốn đau yếu. Ngày thường, làm ra bao nhiêu, anh chị lại đổ hết vào tiền thuốc cho con. Trong nhà vốn đã chẳng còn của để dành. Có mỗi ao cá và đàn gà dăm chục con, lũ dữ cũng chẳng chừa lại con nào, cuốn đi sạch. Cả nhà 7 miệng ăn trông cả vào mấy yến gạo còn sót lại trong nhà.

Thế nên, dù đau lòng lắm, vợ chồng anh Dũng cũng phải gửi con cho bố mẹ, bắt xe vào tận Đắk Lắk, xin làm chân phụ việc trong một trang trại trồng cafe.

Nhưng rồi, mới được vài ngày công, trong một lần theo xe chở cafe xuống bến, hai vợ chồng anh lại gặp phải tai nạn. Chiếc xe lật nghiêng rồi bất ngờ ụp lên người anh chị. Vợ anh Dũng chỉ bị sây sát, nhưng anh bị bánh xe đè lên chân, không thể cử động được.

Tiền công chẳng được mấy đồng, hai vợ chồng anh lại nức nở dắt nhau về quê chữa bệnh. Đã gần một tuần kể từ tai nạn, anh Dũng vẫn chưa thể đi lại.

Đưa ánh mắt nhìn ra cánh đồng rộng mênh mông chỉ còn trơ gốc rạ trước cửa nhà, anh Dũng thở dài: “Tổng số tiền gia đình còn nợ ngân hàng 12 triệu đồng, giờ mùa màng thất bát, tôi cũng chưa biết xoay sở thế nào.”

Ông Nguyễn Đức Hồng, Bí thư thôn 9, xã Nghi Mỹ cho biết: “Cả xóm có 104 hộ thì có tới 66 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. So với năm trước, con số hộ nghèo tăng gấp 5 lần.”

Người dân trong thôn chủ yếu làm ruộng, thu nhập chính của họ trông chờ cả vào vụ mùa. Bình thường, nơi đây cứ một vụ mùa thu hoạch được thì hai vụ sau lại mất vì thiên tai lũ lụt. Năm nay, bão lũ chồng chéo lên nhau nên người dân trong xóm thiếu 3 tháng ăn trước và sau tết. Số lương thực hỗ trợ chỉ đủ cầm cự trong những ngày trước mắt.

Theo ông Hồng, tổng số nợ của cả thôn là hơn 1 tỷ đồng chủ yếu vay về làm trang trại chăn nuôi. Khi lũ ập đến, người dân chưa kịp đối phó nên trắng tay, giờ chỉ còn hi vọng các ngân hàng gia hạn thu nợ và cho vay thêm để có thể có vốn làm ăn.

Không chỉ thanh niên có sức mới bỏ làng đi kiếm sống, ngay cả những người đã có tuổi cũng bàn kế lên phố mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Phúc (thôn Vinh Quang, Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) năm nay đã 60 tuổi. Bà bị đau khớp đã hơn chục năm.

Khi lũ rút, nhìn quanh, cửa nhà đã xác xơ, không còn gì để sống. Gia đình còn có 3 cô em gái cũng đã luống tuổi nhưng bị tâm thần phân liệt và một mẹ già năm nay đã gần 90. Toàn bộ gánh nặng miếng cơm manh áo dồn vào vai người đàn bà tỉnh táo nhất ấy. Nhìn người làng cứ ngược xuôi làm thợ hồ trên phố, bà Phúc thở dài bảo: “Mấy bữa ni, mấy chị em cũng rủ vào Nam kiếm việc dọn dẹp nhà cho người ta, tôi đã đồng ý. Ngồi nhà đợi đến vụ chắc không chịu được chú ơi.”

Thầy giáo Nguyễn Hữu Cường (trường Trung học cơ sở Đặng Dung, Can Lộc) ngậm ngùi kể, lắm khi đến nhà để hỏi thăm học sinh, nhưng nhà cứ trống huếch hoác, chỉ còn mấy cụ già ngồi im trước bậu cửa.

“Nhiều em ở miền Trung, sau lũ, thành ra trẻ xa cha, xa mẹ đến tận vụ Đông sắp tới,” anh Cường thở dài nói./.

Xuân Dũng-Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục