Sớm có chương riêng về phòng chống bạo lực trẻ em

Theo Phó Cục trưởng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, hiện nay tình trạng trẻ em Việt Nam bị bạo lực, lạm dụng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp
Nhân hội thảo về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em diễn ra tại Bắc Ninh ngày 9/12,  phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội về thực trạng và giải pháp cho vấn đề này tại Việt Nam.

Ông nhận định thế nào về thực trạng bạo lực, lạm dụng trẻ em ở Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Trọng An: Ở Việt Nam hiện nay, có thể nói tình hình trẻ em bị bạo lực, lạm dụng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Những năm gần đây, số vụ việc lạm dụng và bạo lực trẻ em bị phát hiện có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt vào năm 2007, tình trạng lạm dụng và bạo lực trong gia đình tăng gấp 3 lần, ở cộng đồng tăng 7 lần, trong trường học tăng 13 lần so với năm trước đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ việc bạo lực, ngược đãi trẻ em còn cao hơn do có nhiều vụ không được gia đình nạn nhân khai báo, tố cáo đối tượng phạm tội vì mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Việc sử dụng các hình phạt, các biện pháp giáo dục nghiêm khắc mang tính bạo lực; đặc biệt bạo lực trong xã hội, gia đình, trường học còn khá phổ biến đã gây ra những thương tích về thể xác và tinh thần nghiêm trọng cho trẻ em.

Buôn bán trẻ em không dừng ở hành vi dụ dỗ, lừa đảo, mà đã xuất hiện một số vụ đối tượng đột nhập vào nhà, đánh, giết cha mẹ để chiếm đoạt trẻ em như vụ xảy ra ở Hà Giang, hoặc hình thành các đường dây mua bán trẻ sơ sinh của các gia đình có hoàn cảnh éo le để đưa ra nước ngoài bán như vụ ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Ông có suy nghĩ gì trước hiện tượng một số vụ bạo lực, lạm dụng trẻ em lại xuất hiện ngay trong môi trường có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em như gia đình, trường học, trụ sở công an phường?

Ông Nguyễn Trọng An: Đúng là nhiều vụ bạo lực, lạm dụng trẻ em lại diễn ra ở những nơi có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ các em. Đặc biệt, các vụ việc này lại do người có trách nhiệm đầu tiên, bắt buộc trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ gây ra như cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên hoặc những người thân thiết với trẻ như họ hàng, hàng xóm.

Thậm chí trong một số vụ nghiêm trọng, người xâm hại tình dục trẻ lại là lãnh đạo cơ quan hay công chức nhà nước. Điều này thể hiện sự yếu kém về nhận thức xã hội.

Chính vì thế, sự nguy hại nhiều mặt của tình trạng lạm dụng, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức. Kiến thức, trách nhiệm của những người chăm sóc trẻ, của gia đình và cộng đồng chưa được hướng dẫn kịp thời nên năng lực bảo vệ trẻ của môi trường gia đình, cộng đồng và những người chăm sóc trẻ giảm sút, thậm chí xuất hiện nguy cơ ở ngay chính trong môi trường và trong đối tượng những người chăm sóc trẻ.

Bộ máy thực hiện, giám sát công tác phòng chống bạo lực, lạm dụng trẻ em ở Việt Nam hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng An: Về bộ máy, đúng là còn nhiều bất cập. Hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em liên tục bị điều chỉnh nên mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên không bền vững do thiếu chính sách khuyến khích, khiến cho việc cập nhật kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, năng lực phối hợp thực hiện pháp luật, chính sách và các biện pháp bảo vệ trẻ em cho đội ngũ này bị hạn chế.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, chẳng hạn như hiện  tại chúng ta rất thiếu các chuyên gia, cán bộ tư vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ em bị lạm dụng. Các lực lượng thanh tra lao động, thanh tra văn hóa còn mỏng nên việc thanh tra, kiểm tra các môi trường có nguy cơ xâm hại, bóc lột trẻ em cao như các cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân, các quán karaoke, Internet… còn bị bỏ ngỏ.

Vậy, theo ông, cơ chế, biện pháp để triển khai thực hiện phòng chống bạo lực, lạm dụng trẻ em nên thay đổi thế nào?

Ông Nguyễn Trọng An: Ở diện rộng, công tác bảo vệ trẻ em hiện nay vẫn chủ yếu tiếp cận theo hướng giải quyết từng đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, từng vấn đề nảy sinh. Đối với từng trường hợp cụ thể, biện pháp, hành động phần lớn đưa ra vào lúc hậu quả đã xảy ra, trẻ em đã bị lạm dụng.

Mặt khác, trong khi trẻ em có thể bị lạm dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, do bất cứ ai thì công tác phòng ngừa lại chưa trở thành một hoạt động vừa mang tính xã hội, vừa có tính pháp lý chặt chẽ.

Nhiệm vụ chính giao cho lực lượng công an và chủ yếu các vụ lạm dụng chỉ được xử lý khi bị phát hiện, tố cáo của gia đình nạn nhân.

Chính vì thế, cơ chế, biện pháp phòng chống lạm dụng, bạo lực đối với trẻ em nên chuyển mạnh sang hướng quản lý và triển khai thực hiện có hệ thống, phân công trách nhiệm, phân cấp thực hiện rõ ràng, cụ thể; chuyển nhanh từ giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa.

Cũng nên sớm bổ sung một chương riêng về phòng chống lạm dụng, bạo lực đối với trẻ em trong Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Xin cảm ơn ông!
(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục