Hội nghị về chính sách đầu tư tại khu vực ASEAN

Hội nghị về chính sách đầu tư tại ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa ASEAN và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Hội nghị chính sách đầu tư tại ASEAN tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia, trong hai ngày 18 và 19/11.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông H.E. Sundram Pushpanathan, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhấn mạnh rằng sự chia sẻ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước OECD tới ASEAN đã cho thấy mối quan tâm không ngừng tăng của các nước OECD với khu vực ASEAN và đồng thời chứng tỏ sự tin tưởng đối với ASEAN.

Khoảng 200 đại biểu, đại diện chính phủ các nước ASEAN, OECD, các nhà ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp tham gia hội nghị đã chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN và OECD cũng như các nước khác về các vấn đề liên quan tới chính sách đầu tư và tăng cường hơn nữa hợp tác cùng có lợi.

Hội nghị tạo ra một nền tảng quốc tế và thăm dò những chủ đề quan trọng trong các lĩnh vực về cải cách chính sách hướng tới môi trường đầu tư thuận lợi hơn, khả năng thu hút đầu tư và cạnh tranh của ASEAN, vai trò của các thỏa thuận đầu tư quốc tế tại ASEAN, cũng như cách tiếp cận chiến lược để gia tăng ảnh hưởng tích cực của việc tăng đầu tư cho phát triển.

Hội nghị cũng được coi là nơi để chia sẻ quan điểm về những vấn đề đầu tư then chốt cũng như những thách thức đang đặt ra cho khu vực và mối quan tâm chung của công chúng về sự hợp tác đem lại lợi ích chung cho cả ASEAN và OECD.

Sự hợp tác giữa ASEAN và OECD đã bắt đầu với việc Hội đồng Bộ trưởng OECD thông qua một nghị quyết tháng 5/2007 mở rộng quan hệ của OECD với Đông Nam Á. Từ đó tới nay, hai bên đã tăng cường hợp tác thông qua việc theo đuổi một cam kết chiến lược ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Ở cấp độ khu vực, sự phối hợp giữa ASEAN và OECD hiện đang được tập trung vào các lĩnh vực như chính sách đầu tư, cải cách qui định và liên kết về tài chính.

Về chính sách đầu tư, hai bên chú trọng FDI xanh, điều hành công ty, doanh nghiệp đa quốc gia và thống kê đầu tư.

Các lĩnh vực này có thể được triển khai dưới hình thức một dự án phân tích chung, các hội thảo theo chủ đề định kỳ, các cuộc đối thoại chuyên sâu, các hội nghị bàn tròn và các chương tình trợ giúp kỹ thuật ngắn và trung hạn.

Theo thống kê của ASEAN, sự chia sẻ dòng FDI từ các nước OECD trong ASEAN vẫn luôn duy trì ở mức cao, khoảng 47%, trong cả hai năm 2008 và 2009, bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Mức chia sẻ các dòng vốn của OECD trong ASEAN chắc chắn sẽ cao hơn nếu đầu tư được rót vào thông qua các chi nhánh ở một nước thành viên ASEAN này sang một nước thành viên khác./.

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục