Sân khấu chuộng "hình thể"

Thông điệp xã hội trong các "hình hài" sân khấu

Các vở diễn dùng ngôn ngữ hình thể chiếm ưu thế ở Liên hoan nghệ thuật-truyền thông Mekong 2009, giúp nghệ sĩ vượt qua mọi rào cản.
Tối nay, 26/11, tại Nhà hát Chatomuk, thủ đô Phnom Penh Vương quốc Campuchia, trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật và truyền thông Mekong 2009, trích đoạn kịch đương đại “Stereo man” (Người lập thể) của nhóm nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ ra mắt khán giả.

Cùng với rối Lào, kịch bóng Thái Lan, xiếc Campuchia… vở diễn với nhiều đột phá về ý tưởng và ngôn ngữ biểu đạt, được kỳ vọng sẽ dệt nên những mảng màu sáng trên "tấm thảm" nhiều màu sắc của nghệ thuật sân khấu các quốc gia tiểu vùng Mekong.

Hình thể - ngôn ngữ ưu thế

Không như phỏng đoán ban đầu của báo chí các nước về một liên hoan hội tụ những loại hình sân khấu truyền thống của các quốc gia. Độc đáo, sinh động, tiếp cận với nhịp sống hiện đại, là "mẫu số chung" cho hầu hết các tác phẩm "đem chuông đi gõ" lần này.

Không có Kinh Kịch, hay những khúc "Nghê thường" nổi tiếng của Trung Quốc. Thay vào đó là một vai độc diễn duy nhất của Zang Yinzhong (Trung Quốc) trong 10 phút "Đảo hoang".

Thế chỗ Lămvông - điệu "Samba Đông phương", các nghệ sĩ Lào mang đến liên hoan những màn rối hiện đại. Nhận được những tràng vỗ tay nhiệt liệt của khán giả tại khán phòng Chatomuk, không phải những điệu múa cung đình Thái Lan quen thuộc. Chỉ có sự lên ngôi của nghệ thuật chiếu bóng Thái.

Dường như chỉ đại diện nước chủ nhà Campuchia là không thể thiếu màn múa Apsara truyền thống để "đãi khách" như một cử chỉ thịnh tình. Còn lại đều những "hàng mới", hình thành ý tưởng và dần hoàn thiện qua các kỳ liên hoan, nay đem ra trình diễn.

Không hẹn mà nên, đa phần những vở diễn đều theo lối "diễn nhiều, thoại… cực ít". Nhiều cảnh trong các vở “Giấc mơ” (Lào), “Bướm hồi sinh” (Thái Lan) lôi cuốn khán giả bằng động tác, hình khối lập thể trên nền nhạc. Một khi có lời thoại như trong vở “Pugartory” (Thái Lan), lập tức được phản hồi: "nói hơi nhiều" từ phía các nghệ sĩ, người xem.

"Ngôn ngữ hình thể chiếm ưu thế ở liên hoan, cũng là dễ hiểu khi điều đó giúp cho các nghệ sĩ vượt qua các rào cản ngôn ngữ"- nghệ sĩ Bùi Như Lai, Nhà hát Tuổi trẻ nhận xét.

Thực hiện tiêu chí của liên hoan "nghệ thuật vị cuộc sống" là đưa nghệ thuật đến với công chúng, đặc biệt là đối tượng trẻ em, diễn viên diễn "trước mũi giày khán giả" để tác động đến công chúng bằng không gian ba chiều, biến khán giả thành một phần của vở diễn, đó là đích hướng tới của sân khấu kịch thông thường và cả sân khấu đường phố.

Nhiều hoạt cảnh mang thông điệp bảo vệ môi trường, chia sẻ nỗi đau nhân thế, ngăn chặn bệnh thế kỷ… được thực hiện ngay trên đại lộ Sisowath Quay.

Nghệ sĩ làm mẫu động tác trước, hướng dẫn khán giả "diễn" sau. Tất cả kết thúc bằng những nụ cười hồ hởi.

Dự báo về một dòng kịch mới?

Không phải ngẫu nhiên "Stereo man" được chọn làm đại diện cho sân khấu Việt Nam tham dự liên hoan.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng (CCRD) - đơn vị đồng tổ chức liên hoan, cho biết:, được gieo mầm từ những dự án nghệ thuật gắn với các chuyển tải các nội dung xã hội như căn bệnh thế kỷ, giới tính… “Stereo man” đã gặt hái nhiều thành công trên sàn diễn trong nước.

Liên hoan là cơ hội để trình làng một trong những tác phẩm "đầu tay" có sự phối hợp ăn ý, hiệu quả giữa các nhà hoạt động xã hội và nghệ sĩ. Với bộ tứ Nhà hát Tuổi trẻ là Như Lai, Công Dũng, Hoàng Tùng, Hoài Nam, lần tái ngộ liên hoan, này gói trọn nhiều cảm xúc.

Kể câu chuyện về đàn ông, với những bất hạnh đồng tính, AIDS, bị lạm dụng tình dục… qua mâu thuẫn giằng xé, đẩy lên cao trào, "Stereo man" - vở diễn từng thành danh trong Nam ngoài Bắc với hàng chục suất diễn kín chỗ.

Điều đáng nói, "Stereo man" đích thị là sản phẩm chính chuyên của dòng… "kịch dự án". Bắt đầu từ khóa học do Nhà hát David Classe (Mỹ) kết hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, mà ở đó các nghệ sĩ được tiếp cận với các nhà nghiên cứu xã hội, học hỏi cách triển khai lập… dự án nghệ thuật bằng các vở diễn.

Với sự vào cuộc tiếp đó của Hiệp hội nhà hát Philippines (PETA) trong vai "bà đỡ, từ nguyên bản chỉ kéo dài 6 phút, qua phiên bản hai dài 35 phút, đến nay "Stereo man" đời chót dài gần một tiếng với nhiều khám phá thể nghiệm mới. Mỗi bước phát triển của "Stereo man" có ảnh hưởng của một "Mạnh thường quân" từ PETA, đến CSAGA.. và hiện tại là CCRD.

"Đáng tiếc là thời gian có hạn nên tại Liên hoan chúng tôi chỉ có thể diễn trích đoạn, nếu được diễn nguyên bản hẳn là người xem sẽ hứng thú"- "Hàn Mặc Tử" Công Dũng nói.

Nhìn vào danh mục gần đây của Nhà hát Tuổi trẻ, nếu những “Vũ Như Tô”, “Kiều Loan” trở về kinh điển. "100 phút của Hàn Mặc Tử" mang nhiều thể nghiệm trên nền "tuồng xưa, tích cũ", thì "Stereo man" là đại diện của khuynh hướng "xã hội hóa" sân khấu.

Trong cảnh sân khấu đìu hiu vắng khách, "Stereo man" đã kéo được khán giả đến rạp.

Năm 2008, lưu diễn cho sinh viên 20 trường cao đẳng đại học phía Nam, năm 2009, diễn 30 đêm tại các thành phố lớn. Ngay sau liên hoan, kế hoạch đưa “Stereo man” lưu diễn tại 50 trường đại học, cao đẳng đã được lên chương trình.

Stereo man”, với công chúng còn một tên gọi khác "Muôn mặt đàn ông". Và những chàng trai trẻ của kịch đương đại Việt Nam sẽ góp phần làm nên "muôn mặt" của nghệ thuật sân khấu Mekong, giữa cái nắng cái gió lồng lộng đặc trưng của đất Chùa Tháp./.

Hoàng Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục