Bóng đá miền Trung: Biến động cùng thời gian

Bóng đá miền Trung - dải đất nắng gió, núi rừng Trường Sơn cùng biển xanh biêng biếc này đã có nhiều biến động trong thời gian ngắn.
Bóng đá miền Trung - dải đất nắng gió, núi rừng Trường Sơn cùng biển xanh biêng biếc này đã có nhiều biến động trong thời gian ngắn gần đây.

“Khúc Nam ai” hạng Nhất

Chiều thứ Bảy vừa qua, trên sân Tự Do đã diễn ra một cuộc đối đầu “buồn như cung la thứ”. Huế và Bình Định, hai anh em cùng miền, hai người bạn (Đoàn Phùng và Dương Ngọc Hùng) quần thảo nhau với kết quả đội bóng Cố đô thua to. Vấn đề, Huế có thua và cứ trầy trật ở chặng đường phía trước là chuyện bình thường.

Sợ nhất với Huế trong mấy năm vừa qua là thái độ thi đấu. Dù không lên hạng, nhưng khi cần thiết (nhất là mấy trận cuối) họ đều  khiến cho Ban tổ chức đau đầu với kiểu chọn đối thủ để đá, làm cho cán cân tham vọng bất ngờ xoay chuyển. Dường như chẳng ai còn dám “chơi” với Huế nữa.

Với đà này, dường như con đường trở lại chuyên nghiệp của bóng đá Cố đô xa lắc. Thủ phủ của bóng đá miền Trung một thời còn thế, chẳng trách Quân khu 5 rã đám, hay Quảng Ngãi cũng tan tác sau khi bỏ cuộc chơi năm 2009, còn Quảng Nam dù có khá hơn chút xíu nhưng vẫn là những con người cũ và cũng chỉ để lay lắt trụ hạng mà thôi.

Bây giờ ở giải hạng Nhất bóng đá miền Trung chỉ còn trông chờ vào đội bóng đất Võ. Gương mặt này đã cầm cự khá tốt trong bối cảnh hoạt động mang nặng tính bao cấp. Thế nhưng, năm 2007, Bình Định đã bị đánh bật khỏi V-League, đánh dấu một hành trình xám xịt.

Năm nay, họ đã thay đổi khi chuyển giao cho doanh nghiệp. Có điều, dư chấn rớt hạng vẫn còn ảnh hưởng quá nặng nề đến tư tưởng, khát vọng của toàn đội. Để duy trì ngôi vị đầu bảng tạm thời như hiện nay, cụ thể hơn là thăng hạng thành công, đấy còn là một thách thức nghiêm trọng với đội bóng đất Võ.

Chuyên nghiệp - chưa phát huy hết tiềm năng

Trong 4 đội bóng của miền Trung đang chơi ở giải chuyên nghiệp, Sông Lam Nghệ An vốn là lá cờ đầu của miền Trung cũng như từng là thế lực lớn trên bản đồ bóng đá nước nhà, nhưng càng ngày, tổ chức lỏng lẻo, mất đoàn kết cùng cơ chế nặng nề bao cấp đã làm trì trệ sức mạnh của họ.

Nhìn lối đá đúng phong cách của đội bóng xứ Nghệ cùng tinh thần rực lửa, lại tiếc cho một thời gian dài đoàn quân này mất phương hướng, tụt hậu giữa cơn lốc làm bóng đá chuyên nghiệp. Bây giờ, cho dù đã ổn, nhưng để đưa Sông Lam trở lại vinh quang xưa, vẫn cần rất nhiều thời gian.

Bóng đá Đà Nẵng cũng từng có giai đoạn dài phảng phất hình bóng của Sông Lam, dù họ đỡ hơn về khoản kinh phí khi lãnh đạo thành phố ủng hộ đội bóng rất mạnh mẽ.

Phải đến năm 2009, sau hai mùa giải bầu Hiển nhảy vào tiếp nhận, thì đội bóng này mới phát huy được tác dụng, cơ bản cắt đuôi được cung cách làm bóng đá cũ. Có nghĩa, chạm tay được vào thành công cũng muộn màng, so với tốc độ phát triển cũng như năng lực cạnh tranh của thành phố lớn nhất miền Trung này.

Khánh Hòa cũng là đội bóng đậm chất địa phương, mà việc một doanh nghiệp địa phương rất giàu tiếp nhận đội bóng đã cho thấy một lợi thế không phải ai cũng có. Năm 2006 rất “ngổ ngáo”, nhưng rốt cuộc họ vẫn còn giống như chú tằm mới chui ra được nửa cái kén.

Bóng đá miền Trung tiềm năng vẫn ổn, nhất là sự chịu thương chịu khó của cầu thủ, tố chất nổi trội trong chơi bóng được các vùng khác ghi nhận. Nhưng, để kích hoạt được tiềm năng đó, cần những cơ chế năng động hơn của những người có trách nhiệm.

Bóng đá chuyên nghiệp cũng như cơ chế thị trường, có những anh “nhà giàu” thời bao cấp đã trở thành “ăn mày” khi không bắt kịp được xu thế mới. Đây không còn là chuyện riêng của bóng đá miền Trung./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục