Năm 2009 với những dấu ấn kinh tế lạc quan

Trái với dự đoán về sự sụt giảm, kinh tế VN năm 2009 vẫn bứt phá với mức tăng trưởng trên 5%, tâm lý cộng đồng doanh nghiệp lạc quan.
Trái với nhiều dự đoán của các định chế tài chính quốc tế, các nhà phân tích về sự sụt giảm, kinh tế Việt Nam năm 2009 vẫn bứt phá với mức tăng trưởng trên 5%, an sinh xã hội được đảm bảo, tâm lý cộng đồng doanh nghiệp, người dân lạc quan.

Nền tảng khả quan này sẽ là bàn đạp mạnh mẽ cho năm cuối cùng của kế hoạch 2006-2010 đạt mục tiêu kinh tế- xã hội 5 năm Chính phủ đặt ra.

Năm của những quyết sách linh hoạt

Có thể ghi nhận năm 2009 là năm Chính phủ có những chính sách rất quyết đoán, chính xác, linh hoạt, đúng thời điểm, thể hiện bước tiến lớn trong điều hành kinh tế-xã hội đã đem lại tác dụng tích cực cho nền kinh tế trong điều kiện suy giảm tài chính kinh tế thế giới.

Cụ thể, GDP cả năm đạt 5,32%, lạm phát dưới 7% đều vượt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đặt ra, sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy không đạt kế hoạch nhưng thể hiện xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt gần 1.197,5 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 56,7 tỷ USD giảm 9,5% so với năm 2008, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 68,7 tỷ USD giảm 14,9% so với năm 2008.

Nhận định suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 tiếp tục ảnh hưởng, gây nguy cơ giảm sút tăng trưởng kinh tế năm 2009, từ cuối năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định quan trọng đó là triển khai gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên tới 145.600 tỷ đồng (xấp xỉ 8 tỷ USD) nhằm kịp thời ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tháng 2/2009, bước đi đầu tiên chính là việc Chính phủ triển khai gói 17.000 tỷ đồng hỗ trợ bù lãi suất vốn vay tín dụng cho doanh nghiệp.

Song song với gói hỗ trợ này, Chính phủ cũng quyết định tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước năm 2009 là 3.400 tỷ đồng, ứng trước dự toán năm sau 37.200 tỷ đồng; chuyển nguồn vốn đầu tư năm 2008 sang năm 2009 là 27.600 tỷ đồng; thực hiện chính sách miễn, giảm thuế 28.000 tỷ đồng, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ 20.000 tỷ đồng, các khoản chi kích cầu khác và đảm bảo sinh xã hội 9.800 tỷ đồng.

Trong gói kích cầu của Chính phủ bao gồm cả lượng tiền thực tế chi (bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ lãi suất tín dụng, các khoản chi chuyển nguồn, tạm thu hồi vốn ứng trước và ứng trước dự toán của các địa phương) và các khoản do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, tăng mức dư nợ được bảo lãnh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá sự phản ứng linh hoạt của Chính phủ thể hiện bắng gói kích thích kinh tế là yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn để lấy lại đà tăng trưởng mà không bị lùi sâu vào suy thoái như các nền kinh tế khác.

Cùng với gói kích cầu, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp phù hợp điều hành thị trường tiền tệ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chính sách kịp thời, uyển chuyển của Ngân hàng Nhà nước như điều chỉnh lãi suất, nới lỏng tín dụng ở thời điểm bị tác động do suy thoái kinh tế thế giới đã giúp nền kinh tế tăng thêm nguồn vốn, kích thích sự phục hồi hoặc thắt chặt tín dụng khi phòng ngừa lạm phát năm qua là những “cú điểm huyệt” tương đối chuẩn xác cho nền kinh tế.

Những chính sách này cũng được sự đánh giá cao của các chuyên gia kinh tế thế giới bởi sự phù hợp trong hoàn cảnh Việt Nam.

Trong khi các nền kinh tế lớn áp dụng biện pháp liên tục giảm lãi suất ngân hàng thì Việt Nam lại áp dụng biện pháp bù lãi suất, tức là dùng ngân sách để hố trợ 4% lãi suất cho các doanh nghiệp.

Theo các nhà phân tích, trong điều kiện lãi suất huy động thấp hơn tỉ lệ lạm phát thì người dân sẽ chỉ đưa tiền vào kênh đầu tư khác mà không đưa vào hệ thống ngân hàng và việc huy động được tiền đồng sẽ rất khó khăn.

Chính vì vậy, việc nới lỏng tín dụng thông qua bù hỗ trợ lãi suất được xem là quyết sách rất lính hoạt của Chính phủ nhằm chuyển mục tiêu từ chống lạm phát năm 2008 sang ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã tác động tâm lý rất tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, mang lại niềm tin vào khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tuy chỉ có khoảng 10-20% doanh nghiệp được trực tiếp nhận hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế một phần các doanh nghiệp còn lại cũng nhận được hiệu ứng dán tiếp từ gói hỗ trợ vì các doanh nghiệp có mối liên kết với nhau, tức là khi các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ lãi suất mạnh lên thì các đối tác, bạn hàng cũng sẽ duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo khảo sát của VCCI năm 2008, trong lúc nền kinh tế đỉnh điểm khó khăn, lạm phát tới trên 22,7%, lãi suất ngân hàng 12% có tới trên 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào bế tắc, 30% đứng trên bở phá sản thì năm 2009 sau những động thái tích cực của Chính phủ có khoảng 91% doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất, 21% có nhu cầu mở rộng thị trường.

Điều này cũng cho thấy sức sống, sự thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam trong khó khăn bởi có tới 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ mà vẫn vượt qua được khó khăn.

Kỳ vọng cho năm 2010

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, với nền tảng của năm 2009 cùng đà phục hồi kinh tế thế giới dự báo sẽ mạnh hơn do tác động của nhân tố chính sách kích thích kinh tế tiếp tục phát huy tác dụng, hệ thống thài chính phục hồi nhanh hơn dự đoán, tốc độ suy giảm của các đầu tàu kinh tế thời giới (Mỹ, Nhật Bản) dịu lại, tốc độ tăng trưởng của nhiều nước đang được cải thiện... sẽ là tín hiệu lạc quan cho kinh tế 2010 của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi dựa trên các yếu tố GDP theo quý tăng liên tục, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp gần như trở lại bình thường, tổng doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng cao nhưng mức tăng trưởng chưa bền vững cả trong ngăn, trung và dài hạn.

Lưu ý này dựa trên những rủi ro về vĩ mô, thị trường, môi trường chính sách và những vấn đề có tính cấu trúc tồn tại từ lâu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đã tới lúc Việt Nam phải coi trọng hơn nữa tới chất lượng tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2010 để tạo tiền đề xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015./.

Thu Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục